Phát huy vai trò dòng họ văn hóa ở Đồng Nai

Thứ ba - 13/07/2021 09:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Phong trào xây dựng dòng họ văn hóa vài năm trở lại đây đã được người dân và chính quyền các cấp quan tâm.
Không chỉ biên soạn lại gia phả, quy ước, phục dựng nhà thờ suy tôn công lao của tiên tổ, các dòng họ còn xây dựng quỹ khuyến học, quỹ nhân đạo, thiện nguyện... Đặc biệt, phong trào xây dựng dòng họ hiếu học ngày càng phát triển sâu rộng, các hoạt động khuyến học, khuyến tài được phát huy.
da1ff64540e6b4b8edf7.jpg
Ngôi nhà cổ gần 100 năm tuổi của gia tộc Ngô Phủ Đường (ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) hiện vẫn gìn giữ được nếp nhà xưa
Gìn giữ và phát huy vai trò dòng họ văn hóa
Trong ngôi nhà cổ gần 100 năm tuổi của gia tộc Ngô Phủ Đường (ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) hiện vẫn gìn giữ được nếp nhà xưa và những kỷ vật trong suốt chiều dài lịch sử. Đây là một trong những dòng họ lâu đời ở Biên Hòa - Đồng Nai. Cụ Ngô Văn Son (97 tuổi) cho hay, tại từ đường của họ Ngô nhiều năm nay vẫn giữ truyền thống tốt đẹp được các thế hệ con cháu kế thừa, phát huy.
“Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn song noi gương cha ông, con cháu gia tộc Ngô Phủ Đường luôn nêu cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đoàn kết thương yêu nhau, cần cù lao động. Ngoài làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, con cháu họ Ngô còn rất tích cực tham gia các phong trào ở địa phương” - cụ Ngô Văn Sơn chia sẻ.
Tại H.Cẩm Mỹ, phong trào xây dựng nhà thờ họ hay từ đường dòng tộc trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn những năm qua. Trên địa bàn huyện có 11/12 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập. Nhiều dòng họ đã xây dựng quy ước riêng, đạt danh hiệu văn hóa hàng chục năm liên tục.
Nổi bật có thể kể đến các dòng họ như: họ Lê ở ấp Đồng Tâm, xã Xuân Mỹ; họ Phạm ở ấp 8, xã Xuân Tây; họ Nguyễn ở xã Lâm San… Trong đó, họ Lê ở ấp Đồng Tâm có nguồn gốc ở tỉnh Quảng Bình. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, họ vào Đồng Nai phát triển kinh tế mới. Hiện họ Lê đã xây dựng từ đường (theo mô hình nhà gỗ 3 gian) và quy ước của dòng họ dựa trên những tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ông Lê Đức Thức (70 tuổi), con trưởng của họ Lê ở ấp Đồng Tâm cho biết: “Nhiều năm qua, con cháu dòng họ Lê tự nguyện đóng góp xây mới từ đường với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Việc trông coi bảo vệ ở từ đường dòng họ được thực hiện đúng theo quy ước của dòng họ. Hàng năm, các ngày rằm, lễ, tết và giỗ chạp, con cháu trong dòng họ lại về dâng hương báo công tổ tiên. Tại từ đường, chúng tôi sẽ xây dựng tủ sách dòng họ tạo điều kiện cho con cháu tìm hiểu văn hóa, mở mang tri thức…”.
15084570f3d3078d5ec2.jpg
Con cháu họ Lê ở ấp Đồng Tâm, xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ dâng hương
 tại từ đường dòng họ
Kết nối các gia đình, dòng họ và tình làng nghĩa xóm
Theo ông Phạm Thúc Nguyên, cán bộ văn hóa xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ), nhiều dòng họ trên địa bàn xã đã xây dựng mô hình từ đường, nhà thờ họ với các kiến trúc khác nhau nhưng đa phần đều theo lối nhà 3 gian. Các mô hình này đã góp phần tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, giữ gìn thuần phong mỹ tục. Nhiều dòng họ cùng đoàn kết tương trợ, sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là giáo dục con cháu rèn luyện đạo đức, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
“Không chỉ bảo ban con cháu sống, làm việc tuân thủ pháp luật, đạo đức, một số dòng họ trên địa bàn xã Lâm San còn nỗ lực xây dựng mô hình dòng họ học tập; thường xuyên tổ chức khen thưởng, trao thưởng tại nhà thờ, từ đường nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho con cháu. Bên cạnh đó, một số dòng họ còn phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể vận động gia đình, con cháu trong dòng tộc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” - ông Nguyên nói.
Cụ thể, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, H.Thống Nhất đã xây dựng được 27 dòng họ học tập; TP.Long Khánh đã xây dựng được 51 dòng họ học tập hay H.Tân Phú đã xây dựng 1 dòng họ học tập tiêu biểu…
Việc xây dựng văn hóa dòng họ, từ đường hay nhà thờ họ trên địa bàn tỉnh đã trở thành nhịp cầu kết nối quá khứ và hiện tại; kết nối các gia đình, dòng họ và tình làng nghĩa xóm. Cho đến hôm nay, những truyền thống văn hóa tốt đẹp trong các dòng họ vẫn được người dân Biên Hòa - Đồng Nai bảo tồn, phát huy, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Thanh Thanh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây