Phát huy thế mạnh của y học cổ truyền

Thứ hai - 27/08/2018 00:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngoài việc chữa trị bằng y học cổ truyền, Bệnh viện (BV) Y dược cổ truyền Ðồng Nai còn triển khai nhiều phương pháp kết hợp Ðông - Tây y nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Hiệu quả điều trị Đông - Tây y kết hợp

BS. Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Y dược cổ truyền Ðồng Nai cho hay, hiện nay nhu cầu khám và điều trị bằng y học cổ truyền của người bệnh ngày càng cao. Ðể đạt được hiệu quả trong quá trình điều trị, có những bệnh, người bệnh chỉ cần tập luyện không phải dùng thuốc tây, nhưng cũng có những bệnh, bệnh nhân phải kết hợp giữa Ðông - Tây y mới mang lại hiệu quả cao. Cụ thể như các nhóm bệnh về xương khớp (thoái hóa khớp, thoái hóa đa khớp, đau đầu gối); bệnh về thần kinh (sau những di chứng liệt do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tai nạn) và nhóm bệnh mãn tính (tăng huyết áp, tiểu đường…).


 
Kỹ thuật viên hướng dẫn tập chức năng khéo léo bàn tay cho bệnh nhân bằng dụng cụ.

Ông Trần Văn An, (60 tuổi, ở phường Long Bình, TP. Biên Hòa) bị bệnh tiểu đường dẫn đến biến chứng đau nhức xương khớp, tê chân đi lại rất khó khăn. Sau khi điều trị tại nhiều nơi không khỏi, khi đến BV Y dược cổ truyền, ông được y, bác sĩ tư vấn điều trị bằng phương pháp Ðông - Tây y kết hợp nên bệnh tình đã thuyên giảm dần. Ông An vui mừng cho biết: “Ðến đây tôi được tư vấn rất kỹ về phương pháp điều trị, tôi vừa uống thuốc tây kết hợp với châm cứu. Từ chỗ đau nhức xương khớp, đi lại khó khăn sau 2 tuần điều trị, tình hình tiến triển tốt, bệnh giảm rất nhiều”.

Bên cạnh các nhóm bệnh về xương khớp, sau 3 năm triển khai điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp Ðông, Tây y kết hợp tại BV, nhiều bệnh nhân bị căn bệnh “khó nói” này đã khỏi bệnh và bớt đau đớn. Với phương pháp này, bệnh nhân được tiêm thuốc trực tiếp vào búi trĩ làm búi teo, co nhỏ lại. Ðồng thời kết hợp với các bài thuốc y học cổ truyền làm búi trĩ co dần, tăng cường bảo vệ thành mạch, kết hợp nhuận trường. Phương pháp này có thể điều trị bệnh trĩ từ độ 1 đến độ 3. Thời gian điều trị ngắn, thông thường bệnh trĩ ở mức độ nhẹ ( độ 1), chỉ mất từ 1 - 2 tuần là khỏi, dài nhất từ 3 - 4 tuần. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường mà không phải nằm điều trị tại BV.

BS. Lê Thị Yến Phượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y dược cổ truyền Ðồng Nai cho biết, điều trị bằng phương pháp Ðông - Tây y kết hợp trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, bệnh nhân rất hài lòng về phương pháp này, lượng bệnh nhân gọi điện đến BV để được tư vấn và điều trị cũng tăng lên.

Chú trọng phương pháp phục hồi chức năng

Không chỉ kết hợp Ðông, Tây y trong điều trị bệnh, BV còn chú trọng đến phương pháp điều trị vật lý trị liệu - phục hồi chức năng. Qua thực tiễn, phương pháp này đã mang lại hiệu quả cao và tạo được niềm tin với người bệnh.

Bị tai nạn giao thông khiến chị Trần Thị Trâm (49 tuổi, ở phường Long Bình, TP. Biên Hòa) bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối. Thời gian đầu vào BV, chân của chị Trâm rất đau, đi lại khó khăn dù có nạng. Sau gần 3 tuần tích cực tập vật lý trị liệu, chân của chị đã hết đau và không cần dùng đến nạng khi đi lại. Chị Trâm cho biết, lúc đầu chị rất lo lắng, vì sống một mình, sợ bệnh sẽ để lại di chứng nặng nề gây khó khăn trong sinh hoạt. Nhưng khi được các y, bác sĩ, kỹ thuật viên hỗ trợ tập vật lý trị liệu, bệnh của chị đã được cải thiện đáng kể.

Cử nhân Nguyễn Thị Thùy Giang, Kỹ thuật viên trưởng Khoa Phục hồi chức năng, BV Y dược cổ truyền Ðồng Nai cho biết, trường hợp của bệnh nhân Trâm mặc dù lớn tuổi nhưng do tích cực hợp tác luyện tập nên phục hồi tốt. Nếu bệnh nhân không chịu khó tập thì sẽ dẫn đến cứng khớp, đi lại rất khó khăn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Theo chị Giang, trung bình mỗi ngày, khoa điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân. Việc tập luyện vật lý trị liệu - phục hồi chức năng có vai trò rất quan trọng, là phương pháp an toàn giúp bệnh nhân phục hồi tốt, khôi phục chức năng vận động, góp phần giảm tỷ lệ tàn tật. Tuy nhiên, để khỏi bệnh và đạt được kết quả cao còn phải tùy thuộc vào sự kiên trì của bệnh nhân và thời gian điều trị sớm hay trễ.

Hiện nay, tại BV đã triển khai nhiều phương pháp điều trị phục hồi chức năng như: liệu pháp tác động cột sống, điện xung, máy kéo cột sống cổ - thắt lưng, laser chiếu ngoài, laser châm, laser Hene, điện vi dùng giảm đau, máy sóng ngắn, điện từ trường, điện kích thích, xoa bóp áp lực hơi, siêu âm điều trị, bó parafin, các dụng cụ tập vật lý trị liệu… Với những phương pháp này cùng với tập luyện đã mang lại hiệu quả cao, giúp cho nhiều bệnh nhân phục hồi lại sự vận động và chức năng cơ thể, tránh để lại những di chứng của bệnh.

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây