Những năm qua, hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã đóng góp tích cực vào tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển mọi mặt của địa phương.
Tăng cường giám sát, phản biện xã hội
Một trong những hoạt động khẳng định được vai trò, vị thế của MTTQ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ qua là đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp đã được quy định rõ trong Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, MTTQ các cấp đã tổ chức giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo, nội dung giám sát đều xuất phát và tập trung vào giải quyết những vấn đề quan tâm, đòi hỏi của nhân dân.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom Nguyễn Văn Lai cho biết, từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ huyện đã chủ trì giám sát 10 nội dung liên quan trực tiếp đời sống người dân và hướng dẫn 100% MTTQ cấp xã, thị trấn tổ chức nhiều chương trình giám sát có hiệu quả; vừa đảm bảo tốt việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, mở rộng không khí dân chủ, tạo động lực thi đua yêu nước.
Là một điểm sáng trong công tác này, MTTQ xã Bắc Sơn thực hiện khá tốt nội dung giám sát, phản biện xã hội hằng năm. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lại Văn Thành nhìn nhận, lúc đầu mới thực hiện cán bộ Mặt trận còn khá bỡ ngỡ, lúng túng. Sau khi được MTTQ huyện hướng dẫn, tham gia các hội nghị giám sát của MTTQ huyện, MTTQ xã đã xây dựng kế hoạch, thống nhất các đoàn thể, dựa trên thực tế địa phương cũng như ý kiến nhân dân, dư luận xã hội để chọn nội dung thực hiện giám sát hằng năm. Sau đó xin ý kiến của Đảng ủy, bảo đảm sự lãnh đạo và báo cho đơn vị được giám sát, từ đó công tác này ngày càng đi vào nề nếp. “Đến nay, MTTQ xã đã phối hợp thực hiện 6 cuộc giám sát. Điều quan trọng là sau giám sát, tình hình chuyển biến tích cực. Điển hình như xã Bắc Sơn đã có trên 73% dân số sử dụng nước sạch (trước giám sát chỉ 18% do giá cả chưa thống nhất). Công tác thu gom rác thải đã đảm bảo ngày, giờ, bình quân tuần 3 lần, những khu vực khó khăn 2 lần/tuần, còn trước đây có khi cả tuần chưa được 1 lần…”, ông Thành cho biết.
MTTQ huyện Trảng Bom giám sát xây dựng giao thông nông thôn tại xã Bắc Sơn.
Công tác giám sát và phản biện xã hội cũng được các địa phương như: huyện Nhơn Trạch, TX. Long Khánh, huyện Xuân Lộc… triển khai thực hiện có hiệu quả. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nhơn Trạch Phạm Sỹ Linh cho biết: “Nhiệm kỳ 2014 - 2019, MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với HĐND, UBND tổ chức 32 cuộc giám sát, 17 cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, thu thập 444 ý kiến đóng góp; 36 cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND, thu thập 1.182 ý kiến và 51 lượt tiếp dân… Qua đó đã tháo gỡ các khó khăn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo các vấn đề an sinh và sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.
Huyện Cẩm Mỹ là địa phương về đích nông thôn mới trước mục tiêu đề ra 1 năm. Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên địa bàn huyện đã tạo nên sự gắn kết cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới. “Điều này cũng đã khẳng định vai trò, vị thế của MTTQ các cấp trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân hiện nay. Đặc biệt là việc huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Thắng nhấn mạnh.
Góp phần củng cố vững chắc hệ thống chính trị
MTTQ các cấp không chỉ thể hiện rõ nét vai trò, vị thế trong huy động sức mạnh toàn dân, công tác phối hợp và thực hiện các mục tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội mà còn đóng góp hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố vững chắc hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Thời gian gần đây, người dân trong tỉnh, nhất là trong vùng dự án Sân bay quốc tế Long Thành đều quan tâm tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Để tạo sự đồng thuận, góp phần đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, MTTQ huyện Long Thành đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định, chủ trương về công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để triển khai dự án trọng điểm này. Bí thư Huyện ủy Long Thành Cao Tiến Dũng nhìn nhận, MTTQ huyện đã phát huy vai trò trong tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị của nhân dân về chủ trương, cơ chế chính sách bồi thường, các điều kiện bảo đảm tái định cư; đồng thời phối hợp các cấp, các ngành và cơ quan liên quan giải quyết những vấn đề phát sinh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đối với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, động viên nhân dân khắc phục khó khăn trước mắt, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đúng tiến độ...
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom Nguyễn Văn Lai cho biết, thông qua các hội nghị phản biện xã hội đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả, giúp HĐND, UBND huyện Trảng Bom có thêm căn cứ để thảo luận, xây dựng các dự thảo nghị quyết phù hợp thực tế địa phương và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cụ thể như khi huyện xây dựng dự thảo nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục và kế hoạch vốn đầu tư công, MTTQ huyện đã đề nghị huyện phải giao cho Mặt trận phản biện xã hội. Qua phản biện xã hội, đặt ra những câu hỏi để cơ quan chức năng giải trình. Mục đích là để tránh lợi ích nhóm, cục bộ, các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, xa rời lợi ích của nhân dân…
Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho rằng, chính nhờ sự giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền các cấp nhìn ra những điểm còn hạn chế, chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển ổn định, thu hút vốn đầu tư vào các KCN tăng, hoàn thành chỉ tiêu và được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
Nhiệm kỳ 2014 - 2019, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 628 cuộc giám sát, 48 hội nghị phản biện, góp phần làm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới, sát với tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Nguyệt Hà
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập