Phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ở vùng nông thôn

Thứ năm - 07/10/2021 16:00
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

So với các địa phương có khu công nghiệp phát triển như Biên Hoà, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom thì tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ở những địa phương khác còn thấp so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn thông qua việc đầu tư hạ tầng các CCN được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng.

ph71021d.jpg?t=1752814360
Phát triển cụm công nghiệp là giải pháp để nâng giá trị sản xuất công nghiệp vùng nông thôn

Tỉ trọng giá trị công nghiệp tại một số địa phương còn thấp

Những năm qua, thế mạnh về công nghiệp của Đồng Nai chủ yếu tập trung tại các địa phương vùng 1 là: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Khu vực vùng 2 gồm: Long Khánh, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ còn chưa như kỳ vọng. Ở những địa phương này, Đồng Nai khuyến khích phát triển công nghiệp gắn liền với nông nghiệp như: chế biến nông sản, thực phẩm, các ngành nghề có tiềm năng sử dụng lao động địa phương để giải quyết việc làm dôi dư. Ngoài ra, những ngành nghề truyền thống, cơ khí phục vụ nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp cũng là mục tiêu để đầu tư.

Kỳ vọng là thế, song một thực tế là kết quả thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 cho thấy sản xuất công nghiệp ở vùng 2 chỉ chiếm 5,75% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, Cẩm Mỹ là địa phương có tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp thấp nhất do hạ tầng công nghiệp không phát triển. Tại địa phương này, hạ tầng khu, CCN chưa được triển khai xây dựng.

Tương tự, các huyện: Tân Phú, Định Quán hay Xuân Lộc cũng mới chỉ có 1-2 khu, CCN nên mức độ tập trung công nghiệp ở những địa phương này rất thấp. Các cơ sở công nghiệp số lượng ít, lại có quy mô nhỏ, phân tán vào các khu dân cư, triển vọng tích tụ, tập trung để kết nối, phát triển một cách đồng bộ là rất khó khăn nếu không có giải pháp tháo gỡ.

Vẫn chậm đầu tư các cụm công nghiệp

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp vùng nông thôn thì đầu tư xây dựng CCN là một hướng đi. Trên địa bàn tỉnh hiện đã quy hoạch 27 CCN với tổng diện tích gần 1,5 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp dùng cho thuê khoảng 942ha. Trong đó, có 16 CCN (diện tích 922ha) đã có 190 dự án thứ cấp hoạt động hiện hữu, tỷ lệ lấp đầy diện tích 63,3%, chiếm tỷ lệ 36,92% tổng diện tích đất dành cho thuê của cả 27 CCN đã được phê duyệt.

Việc hình thành các CCN góp phần tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất để bố trí di dời các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư vào CCN tập trung. Đặc biệt, các CCN cũng góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại những địa phương khu vực nông thôn chưa có nhiều điều kiện để xây dựng khu công nghiệp.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, khó khăn nhất hiện nay của phát triển CCN là thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng. Sự gia tăng nhanh chóng của giá đất trên địa bàn tỉnh cùng với đó là các chi phí khác cũng như không thật sự thuận lợi về giao thông nên mức độ quan tâm của doanh nghiệp (DN) không nhiều. Một số dự án được đăng ký, song qua nhiều năm triển khai rất chậm. Điều này kéo theo tại những địa phương khu vực nông thôn, kết quả phát triển công nghiệp tập trung vẫn còn khiêm tốn.

                                                                                           Vi Quân 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây