(CTT-Đồng Nai) - Khí thải từ hoạt động giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường ở đô thị, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Quá tải phương tiện cá nhân chạy xăng đang là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường đô thị
Quá tải phương tiện cá nhân chạy xăng đang là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường đô thị
Khói bụi từ phương tiện giao thông
Hiện Đồng Nai có hơn 2,7 triệu phương tiện cá nhân, trong đó 90% là xe máy chạy xăng. Sự quá tải xe xăng đang là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Đồng Nai.
Với 3,1 triệu dân và có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, mỗi ngày vào giờ cao điểm, các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch. Đặc biệt là tại TP.Biên Hòa nơi có mật độ giao thông cao, khi hàng ngàn xe máy, ô tô cá nhân đổ ra đường cùng lúc.
Theo nhận định của Sở TN-MT, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đô thị hiện nay chủ yếu là phát thải từ hoạt động giao thông, trong đó có “góp phần” của hệ thống xe buýt cũ chạy xăng, dầu.
Thực tế này được chứng minh khi quan sát bản đồ chất lượng không khí Đồng Nai theo thời gian thực trên hệ thống quan trắc không khí từ dữ liệu vệ tinh hiển thị trong nhiều ngày, chúng tôi ghi nhận các điểm báo ô nhiễm không khí tại các nơi có mật độ giao thông cao trong ngày tại Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành… phần lớn là màu vàng cam, đỏ (không khí ở các mức kém, xấu) vào các giờ cao điểm, trong đó nồng độ bụi mịn PM 2.5 luôn vượt từ 3,5 lần so với ngưỡng giá trị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - đây là chất gây ô nhiễm chính cho môi trường không khí.
Đánh giá hiện trạng, chất lượng xe buýt hiện nay, theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT), trong số 270 phương tiện đang tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn toàn tỉnh thì có 142 xe buýt có tuổi đời hoạt động trên 10 năm (chiếm 52,6%), 41 xe hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 15,2%), số còn lại là hoạt động dưới 5 năm.
Tác hại của khói thải xe xăng
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, giao thông - vận tải đang là một trong những hoạt động gây phát thải khí nhà kính lớn thứ 3, chỉ sau ngành năng lượng và nông nghiệp; chiếm 18,38% tổng lượng khí thải vào bầu khí quyển hàng năm. Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông phát thải lượng lớn các chất như: bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí; xe càng cũ thì phát thải càng nhiều, ô nhiễm càng lớn.
Theo ông Tùng, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, các địa phương - trong đó có Đồng Nai - nên hạn chế xe xăng, dầu và tăng lượng xe điện hoặc xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG (khí thiên nhiên); trong đó, cần đẩy nhanh sự chuyển dịch từ phương tiện chạy xăng, dầu sang chạy điện.
PGS-TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, khí thải của các phương tiện giao thông động cơ đốt trong chạy bằng xăng, dầu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị khi góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí. Nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng…
Ông Sơn cũng đặt vấn đề: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong các đô thị, ngăn ngừa bệnh tật liên quan đến môi trường, nâng cao chất lượng sống, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cần hạn chế xe xăng và đẩy nhanh lộ trình sử dụng xe điện hoặc xe dùng năng lượng sạch.
Môi trường đô thị ở Đồng Nai vẫn đang ô nhiễm do hoạt động phát thải từ giao thông, trong đó có sự “góp phần” đáng kể của hệ thống xe buýt đã sử dụng nhiều năm, thêm vào đó tiềm năng kinh tế của các đơn vị kinh doanh phương tiện vận tải hành khách công cộng còn hạn chế.