Nông dân lo lắng vào vụ sản xuất mới

Thứ năm - 29/09/2022 10:24
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi, đập dâng, trạm bơm, bố trí thực hiện duy tu, bảo dưỡng những hạng mục hư hỏng, đảm bảo mục tiêu phát điện, cấp nước phục vụ sản xuất và an toàn công trình trong mùa mưa lũ từ nay đến cuối năm 2022.
Sản xuất vụ đông xuân, vụ mùa năm 2022, nông dân đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu vào đều tăng cao hơn so với mọi năm. Trong đó có nguyên nhân nguồn cung một số giống cây trồng chính giảm, giá tăng cao.

Cánh đồng lúa tại xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Phan Anh
Cánh đồng lúa tại xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Phan Anh

Nông dân tìm mọi giải pháp nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất; chủ động hơn trong tính toán về đầu ra cho sản phẩm, hạn chế rủi ro về đầu ra.

Giá phân, giống tăng cao

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, vụ mùa năm 2022, toàn tỉnh dự kiến sẽ gieo trồng hơn 45,2 ngàn ha. Trong đó, cây lúa có diện tích gần 19 ngàn ha, cây bắp hơn 12,2 ngàn ha. Diện tích còn lại là các loại rau, màu khác.

Theo phản ánh của nông dân trên địa bàn tỉnh, sản xuất nông nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra lại bấp bênh hơn. Trong khi đó, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến thất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng, sâu bệnh trên cây trồng.

Ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ - thương mại nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho biết, vụ mùa, nông dân tại địa phương chủ yếu làm lúa, cây bắp trồng nhiều vào vụ đông xuân bắt đầu từ tháng 12 dương lịch tới. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ bắp giống của nông dân hiện nay chưa cao. Tuy nhiên, giá giống bắp trên thị trường đã bắt đầu tăng mạnh. Cụ thể, giá giống bắp trồng lấy thân tăng từ 15-20 ngàn đồng/kg; các loại giống lấy hạt cũng tăng từ 10-15 ngàn đồng/kg. Nông dân lo lắng giá giống bắp sẽ còn tăng cao hơn nhiều trong thời gian tới. Ông Quang lo lắng: “Vụ thu hoạch trước, tuy giá bắp nông dân bán ra tăng cao so với cùng kỳ mọi năm nhưng lợi nhuận lại không như kỳ vọng vì chi phí đầu vào tăng “sốc””.

Trong tình hình hiện nay, thị trường đầu ra cho nông sản lại gặp nhiều rủi ro. Cụ thể, vụ thu hoạch hè thu năm 2022, giá bắp thương phẩm đầu vụ khi thị trường khan nguồn bắp có giá cao nhưng rộ vụ lập tức hạ nhiệt. Trồng bắp lấy thân để sản xuất thức ăn chăn nuôi vốn là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu mặt hàng này đình đốn khiến giá thu mua bắp cây giảm mạnh, thậm chí có thời điểm doanh nghiệp bao tiêu chậm thu mua đồng nghĩa với việc rủi ro thua lỗ của nông dân trồng bắp tăng lên.

Cùng nỗi lo, ông Trần Thanh Hùng, nông dân trồng rau tại cánh đồng Tân Yên (xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) chia sẻ, hiện nay tuy giá phân đạm có giảm nhẹ so với trước nhưng các loại phân bón, vật tư nông nghiệp khác hầu như không giảm. Theo đó, chi phí đầu vào vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm. Vào mùa mưa, trồng rau không thuận lợi bằng các vụ khác trong năm, nhất là năm nay, xuất hiện nhiều đợt mưa to kéo dài khiến ruộng rau bị hao hụt rất lớn do bị giập, úng, nấm bệnh cũng nhiều hơn khiến chi phí đầu tư đội lên không ít. Trong khi đó, giá rau bán ra tại vườn rất khó tăng, ngay cả thời điểm thiếu nguồn cung, giá rau có tăng lên nhưng cũng vẫn không theo kịp mức tăng của chi phí đầu tư.

Nông dân lo lắng vì giá giống bắp tăng cao. Ảnh: Trồng bắp tại xã Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh: Phan Anh
Nông dân lo lắng vì giá giống bắp tăng cao. Ảnh: Trồng bắp tại xã Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh: Phan Anh

Chủ động điều chỉnh sản xuất

Với mục tiêu có vụ mùa đạt hiệu quả tốt, Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân tại các địa phương quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới; chủ động trong phòng chống sâu bệnh tổng hợp … Cụ thể như ứng dụng các chương trình: “3 giảm, 3 tăng” là giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả. “1 phải, 5 giảm” là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch để tăng lợi nhuận; chương trình IPM phòng trừ dịch hại tổng hợp… nhằm tiếp tục hạ giá thành sản xuất. Tập trung phát triển các giống lúa gạo trắng, hạt dài, các giống lúa thơm có khả năng cạnh tranh, có năng suất cao, chất lượng tốt và ít nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn và ít bị rơi rụng trong quá trình thu hoạch.

Tại một số địa phương thu hoạch vụ hè thu muộn, nông dân được khuyến cáo nên trồng gối vụ mùa để tranh thủ thời gian, đảm bảo thời vụ. Sử dụng các giống bắp có tính kháng các lại sâu ăn lá ở những vùng thường bị sâu ăn lá gây hại nặng hạn chế bớt rủi ro trong sản xuất…

Không chỉ đầu tư cho khâu sản xuất, nông dân cũng ngày càng chủ động hơn trong tính toán đầu ra của nông sản để hạn chế rủi ro trong khâu tiêu thụ. Ông Trịnh Văn Nhượng, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Suối Nho (H.Định Quán) cho hay, HTX hiện không trồng rau đại trà rồi đổ xô bán cho thương lái như trước. HTX hiện đang cung cấp rau vào các bếp ăn tập thể, cung cấp cho cơ sở chế biến nhằm hạn chế bớt khâu trung gian để có giá bán tốt hơn. Sản xuất theo đơn đặt hàng, HTX cũng không lo cảnh đầu ra ùn ứ, rơi vào cảnh rớt giá.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây