Từ phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (H.Trảng Bom) đã nghiên cứu và tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu.
Ông Lý Minh Hùng kiểm tra bẹ chuối sấy khô trước khi xuất bán
Biến bẹ chuối thành tiền
Ông Lý Minh Hùng, người đầu tiên ở Đồng Nai nghiên cứu và tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu chia sẻ: “Tôi đọc nhiều và biết một số nông dân ở Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản đã sử dụng bẹ chuối thành sản phẩm có ích cho cộng đồng. Tôi trăn trở, mình sống ở “thủ phủ” chuối, nguyên liệu sẵn có, nhân công không thiếu thì tội gì lãng phí tài nguyên”.
Nghĩ là làm, ông Hùng đầu tư nhà kính bằng pin năng lượng mặt trời, đặt thợ làm máy cắt, máy tách bẹ. Cuối năm 2020, HTX bắt tay vào làm những mẻ bẹ chuối sấy khô đầu tiên. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, gần chục mẻ đầu tiên phải đổ bỏ vì độ ẩm, độ dẻo không đạt. Bẹ chuối sấy xong giòn, dễ đứt gãy, ông không dám gửi mẫu cho đối tác.
Khó khăn càng làm người nông dân này thêm quyết tâm. Đầu tháng 2-2021, container bẹ chuối sấy khô đầu tiên của HTX được đóng hàng xuất khẩu sang châu Âu. Ông Hùng hồ hởi đến từng vườn chuối hướng dẫn nông dân cách thu hoạch, tách bẹ, phơi khô bán cho HTX, những hộ không có điều kiện hoặc không muốn phơi bẹ, ông thu mua cây tươi về cho công nhân làm. “Tôi không chỉ có 1 mà có đến 3 đối tác thu mua bẹ chuối xuất khẩu. Bà con có thể bán cây tươi theo năng lực sản xuất của HTX hoặc tự phơi sấy theo cách tôi đã hướng dẫn. Phơi được bao nhiêu tôi mua hết bấy nhiêu. Tôi sẽ đàm phán với đối tác để tăng giá thu mua, bởi thực tế dịch bệnh Covid-19 khiến chi phí sản xuất tăng và nước ngoài đang “khát” loại nguyên liệu này” - ông Hùng chia sẻ.
Tính đến cuối tháng 6, HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình đã xuất được 8 chuyến hàng với khối lượng khoảng 20 tấn bẹ chuối sấy khô. Ngoài ra, còn một lượng lớn bẹ chuối sấy khô đang trong kho và trong dân chờ bớt dịch mới xuất khẩu.
Theo chia sẻ của nhiều nông dân, trước đây cây chuối thu hoạch buồng xong phải thuê người chặt bỏ vừa tốn tiền, vừa lãng phí, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Giờ bẹ chuối cũng kiếm ra tiền nên nông dân rất phấn khởi. Hiện cây chuối tươi HTX mua giá 4 ngàn đồng/cây. Còn tách bẹ, phơi khô bán giá 8 ngàn đồng/kg. Số tiền này dư mua gạo muối ăn quanh năm.
Sản phẩm sợi chuối của HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình
Mở làng nghề trên đất chuối
Nhận thấy thị trường sơ, sợi chuối có tiềm năng phát triển, đồng thời tạo được việc làm cho nhiều nông dân địa phương; mới đây, ông Hùng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy đánh bông, máy tách sợi và xây dựng nhà xưởng. Sản phẩm xơ, sợi chuối làm ra được doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu toàn bộ. Tuy nhiên, do máy móc chưa đủ, việc tổ chức sản xuất trong giai đoạn này còn khó khăn nên ông Hùng chưa mạnh dạn sản xuất quy mô lớn. Ông Hùng cho biết, tới đây HTX sẽ đầu tư thêm máy tách sợi, máy ép bã, máy tạo khuôn để tận dụng hết những bẹ chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Hùng chia sẻ, ông đang ấp ủ kế hoạch mở làng nghề làm xơ, sợi chuối ngay tại vùng nguyên liệu để giúp nông dân có thêm việc làm, thu nhập. “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sử dụng xơ, sợi chuối để làm ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường như: dép đan dùng trong khách sạn cao cấp, túi xách, rổ rá, chiếu, sợi dây cột đồ... Bẹ chuối đẹp, đủ kích thước tôi sấy khô. Bẹ không đạt tiêu chuẩn sấy, tôi tạo sợi hoặc đánh bông rồi ép tấm như tấm vải thổ cẩm của người dân tộc. Tôi nghĩ mình sẽ làm được, bởi nguyên liệu có sẵn. Hơn 70ha chuối xuất khẩu của HTX được trồng và chăm sóc theo quy trình sạch nên không lo khâu kiểm định tiêu chí nguyên liệu sạch. Tôi cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với đối tác nước ngoài” - ông Hùng cho hay.
Khó khăn và cũng là trăn trở của ông Hùng hiện nay là thủ tục vay vốn đối với các đơn vị kinh tế tập thể rất phức tạp. HTX có thể tự nghiên cứu chế tạo hoặc đặt hàng các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất với chi phí tiết kiệm nhưng lại không có đơn vị thứ 3 thẩm định giá trị tài sản để thế chấp vay vốn. Còn máy móc nhập khẩu hoặc mua của doanh nghiệp dễ định giá để thế chấp, nhưng chi phí cao và phần lớn nhập về phải cải tiến, hoán đổi mới sử dụng được. Chẳng hạn như máy ép bẹ chuối HTX tự đặt hàng chỉ khoảng 30 triệu đồng, nhưng mua qua doanh nghiệp giá trên 40 triệu đồng.
Thêm nữa, hiện HTX đang phải xoay xở với việc duy trì sản xuất. Ông Hùng cho biết, hơn 30 công nhân làm các công việc chặt chuối, vận chuyển, tách bẹ, đánh sợi gần như chưa ai được tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” khó khăn vì vùng nguyên liệu không chỉ ở xã Thanh Bình mà còn ở các xã Cây Gáo, Sông Thao, muốn đi ra ngoài xã phải báo lãnh đạo địa phương, qua chốt phải có giấy tờ, có chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 khiến chi phí tăng cao.
Theo kế hoạch, HTX Thanh Bình sẽ mở cơ sở sản xuất bẹ chuối khô ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và miền Trung. Mở rộng vùng nguyên liệu hợp tác lên khoảng 300ha để tiêu thụ hết các sản phẩm chuối quả, bẹ chuối. Riêng sản phẩm bẹ chuối phơi khô, xơ, sợi chuối sấy, HTX thu mua không giới hạn.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập