Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã vận động nhân dân góp tiền, ngày công hàng chục tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt trong từng khu dân cư, tạo cảnh quan sạch đẹp.
Hàng trăm công trình văn hóa tại 11 huyện, thành phố được đầu tư, xây dựng khang trang, trở thành trung tâm sinh hoạt, hội họp, hoạt động ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa này chính là nơi để cộng đồng phổ biến, nâng cao tri thức, sáng tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị riêng có của địa phương.

Các thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh kiểm tra một điểm xã hội hóa dụng cụ thể dục thể thao tại ấp Dốc Mơ 3, H.Thống Nhất
Các thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh kiểm tra một điểm xã hội hóa dụng cụ thể dục thể thao tại ấp Dốc Mơ 3, H.Thống Nhất
Phát huy hiệu quả phong trào…
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin H.Thống Nhất Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết, hiện toàn huyện có 28 CLB gia đình ở 10 xã, thị trấn với gần 600 thành viên, sinh hoạt thường xuyên, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăm sóc, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Năm 2022, toàn huyện có 39.986/40.155 hộ gia đình đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 99,5%). Các thiết chế văn hóa đang tiếp tục được đầu tư, xây dựng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ, luyện tập của nhân dân.
Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin H.Trảng Bom Phạm Thị Bích Nhàn, không chỉ xây ấp, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, trong năm qua, huyện có 25 khu nhà trọ đăng ký xây dựng khu nhà trọ văn hóa. Huyện đã trang bị gần 2 ngàn cuốn sách, 3 tủ sách cho các khu nhà trọ văn hóa. Phong trào xây dựng xã hội học tập được quan tâm, trong đó đặc biệt chú trọng tổ chức ngày hội đọc sách trong các cơ quan, đơn vị. Các trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã, thị trấn đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, 14 lớp đào tạo, bồi dưỡng với trên 1 ngàn người tham gia.
Tại TP.Long Khánh, phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong năm được triển khai với nhiều hình thức, phù hợp và thu hút nhiều đối tượng tham gia. Phó Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Tăng Quốc Lập cho hay, năm 2022, thành phố có hơn 76 ngàn người tập luyện thể dục thể thao (đạt 47,3%) và gần 15 ngàn hộ gia đình luyện tập thể dục thể thao thường xuyên (đạt 43,5%). Thành phố đã trang bị 158 dụng cụ thể dục thể thao nơi công cộng (trong đó có 91 dụng cụ trang bị từ nguồn ngân sách và 67 dụng cụ xã hội hóa).
Đối với hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn TP.Long Khánh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng, mở rộng diện tích do quỹ đất đô thị hạn chế; việc thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cho lĩnh vực văn hóa, thể thao còn thiếu tính khả thi do vướng mắc các thủ tục pháp lý về đất đai, sử dụng tài sản công… nhưng theo Phó Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Tăng Quốc Lập, nhiều thiết chế trên địa bàn TP.Long Khánh có chuyển biến tích cực trong công tác xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

TP.Biên Hòa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, nâng cao đời sống tinh thần của người dân trong năm mới 2023
TP.Biên Hòa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, nâng cao đời sống tinh thần của người dân trong năm mới 2023
Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa
Năm 2022, các mô hình xây dựng ấp, khu phố văn hóa; gia đình văn hóa, khu nhà trọ văn hóa... được Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh triển khai và nhân rộng. Hiện toàn tỉnh có hơn 95% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 98% cơ quan, đơn vị và trên 75% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; hơn 95% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa. Nhiều mô hình tự quản ở cộng đồng như: Ngày thứ bảy vì cộng đồng; Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đội xe ôm tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; Khu nhà trọ công nhân an toàn, văn minh, không tội phạm và tệ nạn xã hội…
được hình thành, phát triển ở các địa phương.
Việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến khá tích cực. Có 100% khu dân cư xây dựng quy ước, hương ước, bài trừ mê tín dị đoan, đẩy lùi thói hư tật xấu và các tệ nạn, làm lành mạnh môi trường xã hội. Hiện toàn tỉnh có hơn 700 CLB gia đình với hơn 20 ngàn thành viên thường xuyên tổ chức sinh hoạt, lồng ghép những nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình. Mô hình đường dây nóng, địa chỉ tin cậy cộng đồng, điểm tạm lánh được các trạm y tế xã, phường, thị trấn thường xuyên nhân rộng, kịp thời tư vấn, điều trị cho nạn nhân bị thương tích bạo lực gia đình.
Đánh giá hiệu quả hoạt động phong trào năm 2022, Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan - Phó Trưởng ban Chỉ đạo phong trào tỉnh cho biết, phong trào đã được triển khai sâu rộng, đồng bộ trên toàn tỉnh với nội dung phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Phong trào đã góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần nhân đạo, yêu thương và chia sẻ lan tỏa sâu rộng với nhiều hành động đẹp. Ở mỗi địa phương đều có một cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế nhằm từng bước đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.