Nỗ lực xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích

Thứ sáu - 04/11/2022 09:12
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Các di tích trên địa bàn tỉnh không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống mà còn tham gia vào phát triển du lịch. 
Lễ hội chùa Ông, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa được tổ chức hàng năm đều được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa
Lễ hội chùa Ông, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa được tổ chức hàng năm đều được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa

Thời gian qua, Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di dích, tạo điều kiện để các di tích phát huy giá trị.

Cộng đồng chung tay

Thực hiện tâm nguyện của nhân dân trong tu bổ, tôn tạo hạng mục cổng tam quan miếu Tổ sư (chùa bà Thiên Hậu), tháng 7-2022, Ban Trị sự di tích đã tổ chức thi công công trình nâng cấp, sửa chữa cổng theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan. Sau gần 1 tháng thi công, công trình đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Đây là kinh phí được Ban Trị sự của di tích huy động từ đóng góp của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Trưởng ban Trị sự di tích miếu Tổ sư Trương Lâm Thủy phấn khởi cho hay: “Cổng tam quan được trùng tu từ nguồn xã hội hóa. Không chỉ xã hội hóa trùng tu cổng, nhiều năm qua chúng tôi kêu gọi các tầng lớp nhân dân chung tay đóng góp, tu bổ rất nhiều hạng mục trong di tích. Khi xã hội hóa, chúng tôi công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng. Hiện nay, miếu đã ngày càng khang trang, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân tại địa phương".

Cùng với miếu Tổ sư, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo như: chùa Ông (TP.Biên Hòa); đình Xuân Hòa, chùa Xuân Lộc (TP.Long Khánh); miếu Quan Âm 116 (xã Phú Vinh, H.Định Quán)... Chỉ tính riêng di tích đình Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) trong 2 năm 2021 và 2022 đã huy động từ nguồn kinh phí đóng góp gần 10 tỷ đồng của người dân và doanh nghiệp để tổ chức trùng tu nhiều hạng mục như: chánh điện, tiền điện và hậu đình.

Theo ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu (chùa Ông, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), từ nhiều năm nay mỗi đợt chùa Ông trùng tu, tôn tạo đều có sự tham gia tích cực của người dân địa phương. Bà con đã chung tay đóng góp, không chỉ mang đến diện mạo khang trang cho chùa mà còn giữ được nét kiến trúc, điêu khắc truyền thống vốn đã tồn tại hơn 300 năm. “Ngoài các đợt trùng tu lớn, cứ 2 lần/năm, chúng tôi thực hiện công tác bảo quản, xử lý mối mọt các cấu kiện trong chùa." - ông Nghĩa bộc bạch.


Hạng mục cổng tam quan của di tích Miếu Tổ sư, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa
Hạng mục cổng tam quan của di tích Miếu Tổ sư, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa

Nhà nước luôn tạo cơ chế

Đánh giá cao công tác huy động nguồn lực xã hội hóa trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích của các hội, đình, chùa, miếu, phật tử…, ông Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở VH-TTDL kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần cùng với Nhà nước giữ gìn và kéo dài tuổi thọ của di tích; bởi kéo dài tuổi thọ di tích càng lâu, giá trị trị di sản cha ông để lại sẽ càng vững bền và có cơ hội phát triển du lịch.

Ông Ân cho hay, Nhà nước luôn tạo cơ chế, sự quản lý thông thoáng để giúp nhân dân gìn giữ và phát hu​y giá trị của di tích. Ngoài nguồn ngân sách đầu tư cho di tích, các di tích phổ thông như: đình, làng, thiết chế thờ cúng, tín ngưỡng dân gian đa phần là do ban quý tế thực hiện trùng tu bằng nguồn xã hội hóa. Trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn chế, xã hội hóa là cách làm hiệu quả. Không chỉ bảo tồn vốn di sản văn hóa mà vốn di sản này còn được đặt trong bối cảnh kinh tế để phát triển du lịch của tỉnh.

Trong năm 2023, Sở VH-TTDL sẽ tiếp tục chỉ đạo Bảo tàng Đồng Nai rà soát một lần nữa toàn bộ các di tích phổ thông trên địa bàn tỉnh, sau đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ký quyết định công nhận di tích phổ thông. Khi có quyết định công nhận di tích phổ thông xem đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục lập hồ sơ xếp hạng di tích trong tương lai. Nếu các di tích này đủ điều kiện, tiêu chí để xếp hạng sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào danh mục và lộ trình tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và gần năm 2025 sẽ rà soát để đưa vào lộ trình giai đoạn 2025-2030. Với việc trùng tu di tích phổ thông, trong luật cho phép khi các di tích ấy hội tụ đủ điều kiện, đủ thủ ​tục pháp lý.​

Tác giả: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây