Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều bác sĩ dù đã nghỉ hưu nhưng sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, không chịu ngồi yên an toàn một chỗ khi thấy nhiều đồng nghiệp trẻ đang ngày đêm căng mình chống dịch.
BS CKII. Nguyễn Thế
Sâm khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân P.Tân
Phong, TP.Biên Hòa
Chấp nhận rủi ro
BS CKI.Nguyễn Giỏi nguyên là Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Tháng 3-2020, ông về hưu sau gần 40 năm cống hiến cho ngành Y. Sau khi nghỉ hưu, với tình yêu nghề, BS Giỏi tiếp tục làm việc ở phòng khám gia đình, nhận được sự tin tưởng của nhiều người dân trên địa bàn.
Giữa tháng 7-2021, P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa nơi BS Giỏi sinh sống bị phong tỏa để phòng, chống dịch. Lúc này, trạm y tế P.Hòa Bình đang rất thiếu nhân lực nên đã nhờ BS Giỏi đến tận nhà những bệnh nhân lớn tuổi trên địa bàn phường mắc bệnh nền hay bị tai biến để thăm khám và điều trị cho họ. Đầu tháng 8 vừa qua, khi tỉnh đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, BS Giỏi cảm thấy không thể nào ngồi yên một chỗ khi nhân lực của ngành Y tế đang rất thiếu nên đã đăng ký với Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa để tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Từ ngày 6-8 đến nay, ông liên tục tham gia công tác khám sàng lọc để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân ở các phường ở Biên Hòa như: Hòa Bình, Quang Vinh, Bình Đa, Hố Nai, Bửu Hòa, Thống Nhất, Trảng Dài, Long Bình, Bửu Long.
BS Giỏi tâm sự, nhiều người lo ngại nếu bác sĩ khám sàng lọc không tận tâm thì nhiều người dân sẽ mất đi quyền lợi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Do đó, ông luôn cố gắng cân nhắc, tư vấn, khám sàng lọc kỹ để chỉ định tiêm hay không tiêm vaccine phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Mặc dù bản thân mắc một số bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, lại mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao nhưng điều đó không làm BS Giỏi chùn bước.
“Có những ngày, tôi và đồng nghiệp làm việc trong các phường đang là điểm nóng của dịch bệnh như Hố Nai đến tận tối muộn mới về đến nhà. Cơ thể dù có mệt mỏi nhưng tinh thần tôi thấy rất thoải mái, vui vẻ và tự hào. Bởi lẽ bản thân đã dám đi, dám làm và dám đối mặt với hiểm nguy, có thể góp sức mình dù là nhỏ bé để cùng các đồng nghiệp trẻ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19” - BS Giỏi bộc bạch.
Nâng cao nhận thức cho người dân
Những ngày qua, BS CKII.Nguyễn Thế Sâm, nguyên Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Quân y 7B cùng với các đồng nghiệp trẻ của bệnh viện làm việc liên tục tại điểm tiêm chủng lưu động KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa.
BS Sâm cho hay, ông về hưu đã 4 năm. Sau nghỉ hưu, ông tham gia công tác cho một phòng khám chuyên khoa tư nhân trên địa bàn TP.Biên Hòa. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên phòng khám nơi ông làm việc tạm thời ngưng hoạt động. Qua theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực tế diễn ra tại địa bàn sinh sống (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), BS Sâm đã đăng ký với Bệnh viện Quân y 7B, tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 cùng bệnh viện. Bởi theo ông, với những kiến thức ông có cộng với sức khỏe đang còn tốt, nếu ngồi yên trong nhà, đóng cửa cài then thì rất lãng phí.
Mỗi ngày, BS Sâm thức dậy từ rất sớm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến các điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 lưu động. Tại đây, ông làm nhiệm vụ khám sàng lọc, tư vấn cho người dân về việc tiêm vaccine. Đồng thời theo dõi sát những diễn biến sau tiêm của người dân để kịp thời xử lý nếu có bất thường xảy ra.
“Điều đáng mừng là hầu hết bà con nhân dân từ 18 tuổi trở lên đều mong muốn được tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm. Có một số ít bà con có tâm lý e ngại khi tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi được tôi tư vấn, giải thích về độ an toàn của vaccine, bà con đã đồng ý tiêm, trừ những đối tượng cần thận trọng. Tôi thường xuyên nói với bà con, vaccine tốt nhất là vaccine được đưa vào cơ thể sớm nhất. Vaccine được đưa vào cơ thể sớm ngày nào sẽ sớm sinh kháng thể ngày đó. Và nếu đạt được từ 70% người dân trong độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được tiêm vaccine trở lên, chúng ta sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, sớm được quay trở lại cuộc sống bình thường như trước kia” - BS Sâm chia sẻ.
Theo BS Sâm, từ ngày tham gia chống dịch Covid-19, sinh hoạt và cuộc sống của ông có nhiều thay đổi. Thay đổi lớn nhất là ông phải mặc bộ đồ bảo hộ phòng dịch mỗi ngày. 7 giờ sáng, sau khi mặc đồ bảo hộ xong, ông và nhiều đồng nghiệp không ai dám mở khẩu trang để uống thêm nước dù khát. Bởi nếu uống nhiều nước sẽ phải đi vệ sinh. Khi đi vệ sinh thì phải cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, mất 1 bộ đồ bảo hộ là làm tăng thêm kinh phí phòng, chống dịch. Đến 11-12 giờ trưa, được cởi bỏ bộ đồ bảo hộ trên người để ăn cơm trưa, BS Sâm như bỏ được một gánh nặng. Tuy nhiên, chỉ sau ít phút nghỉ giữa giờ, BS Sâm và đồng nghiệp lại tiếp tục mặc đồ bảo hộ, làm việc một mạch đến chiều tối.
BS Sâm tâm sự, có mặc bộ đồ bảo hộ thường xuyên để làm việc dưới thời tiết nắng nóng mới hiểu được những hy sinh, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ đang tham gia tuyến đầu chống dịch. Đó cũng là động lực để các bác sĩ như ông nỗ lực, cống hiến hơn nữa cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Việt Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập