Với sự nỗ lực và đam mê với nghề, nhiều tấm gương là công nhân lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã tích cực sáng tạo trong lao động sản xuất, đóng góp những sáng kiến hữu ích, mang lại hiệu quả trong quá trình sản xuất.

Chị Lê Thị Minh Thu, làm việc tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) bên sáng kiến máy khắc laser phun tem
Chị Lê Thị Minh Thu, làm việc tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) bên sáng kiến máy khắc laser phun tem
Không ngừng sáng tạo
Công nhân Bùi Thị Diệu An, làm việc tại Tổ cải thiện Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa) vừa được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen về thành tích tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến. Trong 11 năm gắn bó với công ty, chị An đóng góp gần 100 sáng kiến lớn, nhỏ cho DN. Các sáng kiến đều giúp DN giảm công nhân, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm, tạo tính an toàn, rút ngắn thời gian thao tác…
Một trong những sáng kiến giá trị được chị An tâm đắc nhất đó là cải tiến đế khuôn in lụa. Khuôn in lụa thường được công ty đặt hàng từ các nhà cung cấp với chi phí cao và thiết kế bằng gỗ rất nhanh hư hỏng. Chưa kể, khi thay mới kích cỡ thì tiêu tốn rất nhiều chi phí và phải đem ra xưởng mộc để đóng lại khung mới. Trước bất cập trên, chị An đề xuất thay khung in gỗ bằng nhôm, sử dụng 1 lần có thể điều chỉnh được kích cỡ nhanh gọn và không mất thời gian đi làm khung mới. Sáng kiến này của chị tiết kiệm cho công ty trên 126 ngàn USD và được Tập đoàn Pouchen trao giải nhì trong Hội thi sáng tạo cải tiến.
Anh Lê Thanh Đà, Tổ phó sản xuất Nhà máy hóa chất Đồng Nai (TP.Biên Hòa) là tấm gương trong lao động sản xuất và cải tiến tại DN. Mỗi sáng kiến của anh ra đời không chỉ tiết kiệm tiền tỷ cho DN mà còn giúp nâng cao năng suất lao động. Từng là công nhân sản xuất, sau nhiều nỗ lực trong công việc, anh Đà đã vươn lên vị trí Tổ phó sản xuất bằng sự chịu khó tìm tòi, đổi mới trong công việc. Anh trực tiếp hướng dẫn, dạy nghề cho nhiều lao động trẻ và luôn đi đầu trong việc tham gia đóng góp những cải tiến mang lại giá trị cao cho DN. Anh Đà cho biết, một trong những cải tiến anh cảm thấy hài lòng là thay thế vỏ sò và cánh bơm từ vật liệu gang dễ ăn mòn sang vật liệu inox 316 chống ăn mòn cho máy bơm hóa chất.
Giải thích về tính hữu ích của sáng kiến, anh Đà chia sẻ, trước đây, khi DN sử dụng vật liệu cũ, các dụng cụ, vật liệu bằng gang phải tốn rất nhiều tiền hàng tháng để bảo trì và thay thế dụng cụ. Tuy nhiên, từ khi chuyển qua sử dụng bằng inox 316 đã giúp chống ăn mòn các vật liệu khác, tiết kiệm chi phí cho công ty. Ngoài ra, anh còn chế tạo quạt hút bằng vật liệu titan giúp hoạt động hiệu quả trong môi trường hóa chất ăn mòn cao như axit clohydric; cải tiến bộ đèn trục bằng dây xám chì sang bộ đèn trục hợp kim giúp bơm hiệu quả và sử dụng được trong môi trường axit.
Nhiều lợi ích cho DN
Tại Công ty TNHH Công nghiệp Brother Sài Gòn (TP.Biên Hòa), anh Phạm Văn Châu được biết đến là một trong những điển hình sáng tạo, thường xuyên có những ý tưởng cải tiến thiết bị sản xuất, góp phần vào sự phát triển bền vững của DN. Anh Châu chia sẻ: “Khi mình đam mê với nghề sẽ có động lực để tạo những sản phẩm chất lượng, tâm đắc và mày mò, nghiên cứu để sản phẩm đó ngày càng hoàn thiện hơn”.
Hiện những sáng kiến của anh Châu đang được áp dụng toàn công ty. Cụ thể như sáng kiến cải tiến giảm thao tác khó khi sản xuất. Theo anh Châu, các mã hàng thường trải qua nhiều công đoạn từ sản xuất, kiểm hàng để thử chất lượng, khiến công nhân rất dễ bị “rối”. Do đó, khi rút ngắn những công đoạn không cần thiết, thao tác sẽ nhanh và dễ dàng hơn. Ngoài ra, nhiều sáng kiến của anh nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cũng đang mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho công nhân và DN.
Không chỉ là điển hình lao động giỏi, hàng năm, anh Châu còn đảm nhận thêm nhiệm vụ đào tạo lớp thợ trẻ. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, anh Châu đã dìu dắt nhiều thợ trẻ thành công với nghề. Những cống hiến của anh Châu luôn được công ty ghi nhận, đánh giá cao, kịp thời khen thưởng. Anh cũng là gương mặt đoàn viên tiêu biểu vừa được Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa tuyên dương trong Tháng Công nhân vừa qua.
Chị Lê Thị Minh Thu, làm việc tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) vừa được DN thưởng 12 triệu đồng với sáng kiến cải thiện lưu trình đóng gói. Theo chị Thu, trước đây, công nhân dùng tay để dán tem keo dính vào miếng nhựa khiến thời gian dán lâu và tốn nhiều nhân lực. Chị Thu đã áp dụng máy khắc laser phun tem trực tiếp vào miếng nhựa, nhằm đạt hiệu suất tối đa nhất, tiết kiệm thời gian thao tác và không cần dùng tay dán vẫn đảm bảo chất lượng, thông số tem mà khách hàng quy định. Sáng kiến này tiết kiệm thời gian và chi phí mua tem cho công ty khoảng 20.228 USD/tháng.
“Những cống hiến của tôi thời gian qua đã được công ty ghi nhận và khen thưởng vào dịp tổng kết cuối năm hoặc tại hội nghị người lao động hàng năm. Đó là động lực để tôi tiếp tục đam mê với nghề, đóng góp nhiều hơn những sáng kiến đổi mới quy trình sản xuất hiện đại, giảm nhân công và đảm bảo chất lượng, hiệu quả sản phẩm và sự phát triển của DN” - chị Thu bộc bạch.