Những nhà sư hiến mô, hiến xác cho y học

Chủ nhật - 11/06/2023 17:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, các nhà sư đã hưởng ứng lời kêu gọi hiến mô, hiến tạng, hiến bộ phận cơ thể người cho y học. Điều này góp phần lan tỏa nghĩa cử nhân văn trong cộng đồng, nhất là trong đồng bào phật tử.
Đại đức Thích Quý Trì, trụ trì Chùa Tịnh Châu Như Ý (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác cho y học và quà tri ân từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Đại đức Thích Quý Trì, trụ trì Chùa Tịnh Châu Như Ý (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác cho y học và quà tri ân từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

Việc tốt cứu người
Những năm gần đây, thông qua công tác tuyên truyền, nhất là khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh được Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy giao nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký người có mong muốn hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học trên địa bàn tỉnh, hoạt động này đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Trước hết là số lượng người đăng ký tăng theo từng năm. Như năm 2020 chỉ có 36 người đăng ký. Tiếp đó, năm 2021 có hơn 40 người và đến năm 2022 có đến 70 cá nhân tham gia. Riêng những tháng đầu năm 2023 đã có nhiều trường hợp đăng ký. Đồng thời, người dân có sự quan tâm nhiều hơn đối với hoạt động này và mạnh dạn tham gia thay vì còn e ngại như trước kia.

Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, với một cá nhân tham gia hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não có thể cứu sống ít nhất một đến 12 người bệnh. Thời gian qua, y học nước nhà ngày càng phát triển, nhiều kỹ thuật y tế phức tạp đã được đội ngũ y bác sĩ Việt Nam thực hiện tốt. Điều này giúp người bệnh điều trị trong nước thay vì phải ra nước ngoài chữa trị như trước kia. Do vậy, nhu cầu cần nguồn mô, tạng và cơ thể trong y học là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Hoa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nói: “Bản thân tôi cố gắng tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng theo khả năng. Nhìn các nhà sư cùng tham gia hoạt động hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não và cùng nhận thẻ đăng ký hiến tạng do Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng mình thêm vững tâm”

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, để hoạt động hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa, ngoài công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện hồ sơ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn tổ chức hoạt động tôn vinh, tặng quà tri ân. Điều này khiến người hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não cùng người thân nhận được sự động viên vì đóng góp của họ được Nhà nước và cộng đồng ghi nhận.

Nhà sư tích cực tham gia
Hưởng ứng hoạt động ý nghĩa này, các tăng, ni, phật tử tại Đồng Nai cũng chủ động tham gia là thành viên của mạng lưới hiến mô, hiến tạng, hiến cơ thể người.
Trong số này Đại đức Thích Thanh Hảo là người trẻ nhất (31 tuổi) tham gia hoạt động này. Sư Thanh Hảo hiện đang tu tập tại chùa Phúc Lâm (TP.Biên Hòa). Cùng với việc học kinh sách, sư Thanh Hảo còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo do nhà chùa tổ chức. Thái độ ân cần, quan tâm đến mọi người là điều dễ nhận thấy của sư Thanh Hảo.

Đại đức Thanh Hảo cho hay, người tu hành không tách rời mình với các vấn đề của đời sống xã hội. Do vậy, khi được tuyên truyền về hiến mô, hiến tạng, hiến cơ thể cho y học sau khi chết não, sư đã đăng ký tham gia và sau quá trình kiểm tra sức khỏe đã được chấp thuận.

Cũng có hành động nhân văn vì cộng đồng là đại đức Thích An Thuận, trụ trì Phật đường Pháp Tuyền (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Đại đức An Thuận cho biết ông còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ TP.Biên Hòa. Vậy nên, khi hội chữ thập đỏ tỉnh, thành phố phát động hội viên, quần chúng tham gia hiến mô, hiến tạng, hiến cơ thể người cho y học sau khi chết não ông đã tham gia.

“Tôi hay đến các cơ sở y tế để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Được tiếp cận với các thông tin về bộ phận cơ thể một người sau khi chết đi có thể cứu sống nhiều người cần ghép mô, tạng và phục vụ cho sự phát triển của y học, tôi quyết định tham gia hoạt động này” - đại đức Thích An Thuận nói.

Trước khi trở thành thành viên của mạng lưới hiến mô, hiến tạng, hiến cơ thể người cho y học sau khi chết não, đại đức Thích An Thuận là điển hình trong các hoạt động trợ giúp nhân đạo. Như cuối tháng 4-2023, đại đức Thích An Thuận và các mạnh thường quân Phật đường Pháp Tuyền đã tặng quà trị giá 88 triệu đồng cho người khiếm thị, gia đình khó khăn tại TP.Biên Hòa, H.Định Quán.

Một nhà sư khác cũng tham gia hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học là đại đức Thích Quý Trì, trụ trì chùa Tịnh Châu Như Ý (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Nhiều năm qua, đại đức Thích Qúy Trì thường xuyên kết hợp cùng địa phương hỗ trợ người khó khăn. Như mới đây, đại đức cùng phật tử chùa Tịnh Châu Như Ý kết hợp cùng địa phương tổ chức ẩm thực chay gây quỹ để tặng quà người khó khăn. Qua đó đã có hơn 26 triệu đồng được đóng góp để trao lại cho Hội Chữ thập đỏ P.Thống Nhất để giúp đỡ cho người nghèo.

Hiện Đồng Nai có 929 chức sắc hàng giáo phẩm cùng trên 7,3 ngàn tăng, ni và gần 1 triệu phật tử. Nên việc các nhà sư tham gia hoạt động hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền, lan tỏa phong trào hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây