Những địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử Đồng Nai

Thứ bảy - 30/07/2022 21:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Đồng Nai hiện có nhiều di tích lịch gắn với phong trào yêu nước, quá trình đấu tranh cách mạng của Nhân dân.

Những “địa chỉ đỏ” này là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Các cựu chiến binh trên địa bàn H.Xuân Lộc xem lại danh sách liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ huyện
Các cựu chiến binh trên địa bàn H.Xuân Lộc xem lại danh sách liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ huyện

Nơi lưu dấu nhiều ký ức…

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai những ngày cuối tháng 7, nhiều đoàn khách là những người dân trên địa bàn tỉnh, những người con xa quê hay thân nhân các liệt sĩ đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Trong khói hương trầm ấm cúng, giọng nói của ông Vũ Tiến Pha - một trong những người được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc nghĩa trang kể chuyện về những phần mộ, những tấm gương anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Những người đến dâng hương nghiêm cẩn đứng vào hàng lối, nghiêm trang lắng nghe, rưng rưng xúc động...

Bản thân ông Pha là cựu chiến binh (CCB) quê ở tỉnh Thái Bình, từng tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Hơn 15 năm trông coi nghĩa trang, ông từng chứng kiến nhiều câu chuyện buồn vui xung quanh các phần mộ. Ông Pha bộc bạch: “Tôi từng chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động của các thân nhân liệt sĩ, các mẹ, các chị, các con… từ miền Bắc, miền Trung xa xôi vào thăm viếng người thân đang yên nghỉ trong nghĩa trang này. Là người lính, hơn ai hết tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trông coi, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ chu đáo, như một cách tri ân”.

Đền thờ liệt sĩ H.Xuân Lộc mặc dù mới khánh thành hơn 1 năm, song nơi đây đã trở thành điểm đến dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ của các tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên thanh niên, CCB. Đại tá Nguyễn Mạnh Khởi, nguyên Chủ tịch Hội CCB H.Xuân Lộc cho hay, bản thân ông cảm thấy rất xúc động, tự hào khi các dịp lễ đều đến đền thờ thắp nén nhang cho đồng đội của mình. Đến đền thờ liệt sĩ, nghĩ về công lao to lớn mà đồng đội đã cống hiến, không tiếc máu xương hy sinh cũng là cách để ông và các CCB trên địa bàn huyện nhắc nhở nhau đoàn kết, tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ…

Theo ông Đỗ Hữu Nhuận, Chủ tịch Hội CCB P.An Bình (TP.Biên Hòa), để phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, các CCB trên địa bàn P.An Bình hôm nay phấn đấu cùng địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Cùng với đó, các CCB còn tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đã và đang nỗ lực đi tìm kiếm hài cốt của đồng đội, của những liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập dân tộc.

“Trăn trở lớn nhất của chúng tôi bây giờ là làm sao đi tìm thêm được các đồng chí, đồng đội của mình, quy tập về nơi yên nghỉ. Còn những liệt sĩ đã tìm được hài cốt nhưng chưa được gia đình nhận về hoặc chưa xác định được danh tính, cứ có dịp là chúng tôi lại tổ chức cùng các gia đình, đồng đội cũ về thắp hương để tri ân” - ông Nhuận chia sẻ.

Khu trưng bày hình ảnh, hiện vật tại Trung ương Cục miền Nam, H.Vĩnh Cửu trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử của nhân dân
Khu trưng bày hình ảnh, hiện vật tại Trung ương Cục miền Nam, H.Vĩnh Cửu trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử của nhân dân

Trùng tu, tôn tạo những địa chỉ về nguồn

Không chỉ tại nghĩa trang, đền thờ liệt sĩ, đài tưởng niệm mà tại nhiều địa phương (các xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh đều có nhà bia liệt sĩ. Đây là những địa chỉ để người dân viếng thăm, các CCB có dịp ôn lại kỷ niệm xưa về khoảng thời gian chiến đấu gian lao nhưng thấm đậm nghĩa tình; để những người trẻ tìm hiểu về lịch sử, khơi dậy niềm tự hào. Mặc dù được xây dựng và bảo quản tốt nhưng nhiều nhà bia chưa được xếp hạng di tích do không đủ tiêu chí để xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Chẳng hạn, Nhà bia liệt sĩ P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) nơi diễn ra sự kiện năm 1969 tại khu vực Bình Quan (P.Hiệp Hòa), do sự chỉ điểm của Tô Hoàng Thắng - Đội phó Đội Biệt động dao động tư tưởng đã ra hàng giặc. Do thời gian gấp rút, các đồng chí của ta không kịp rút ra căn cứ nên đã bị địch đàn áp, một số đồng chí đã chiến đấu kiên cường, hy sinh oanh liệt. Trong đó có đồng chí Đặng Văn Trơn (Ba Trơn) và Nguyễn Thanh Vân (Năm Hiền). Tại khu vực Bình Quan không có các căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, địa điểm này đã xây dựng nhà bia liệt sĩ. Hiện nay nhà bia được chính quyền và nhân dân chăm sóc, thường xuyên tổ chức các hoạt động dâng hương, giáo dục lịch sử…

Để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm trùng tu, tôn tạo. Trong đó có di tích Trung ương Cục miền Nam, Nhà lao Tân Hiệp, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ… Trở về những địa chỉ đỏ này, trong lòng người dân, nhất là người trẻ khắc ghi những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước. Từ đó, noi gương các thế hệ đi trước để không ngừng phát huy tinh thần dân tộc, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp, hội nhập và phát triển.

Đền thờ Liệt sĩ H.Xuân Lộc trở thành địa chỉ đỏ về nguồn và giáo dục lịch sử
Đền thờ Liệt sĩ H.Xuân Lộc trở thành địa chỉ đỏ về nguồn và giáo dục lịch sử

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây