Xuân đã về trên từng con phố và các miền quê. Sắc xuân, hương xuân, khí xuân đang tiếp nguồn sinh lực mới cho muôn nhà, khởi một mốc mới cho vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai tròn 325 năm hình thành và phát triển.

Văn miếu Trấn Biên cũng trở thành điểm đến tham quan trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người dân và du khách
Văn miếu Trấn Biên cũng trở thành điểm đến tham quan trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người dân và du khách
Ngày xuân có thăm lại các di tích cấp quốc gia gắn với lịch sử của vùng đất Biên Hòa Đồng Nai, ắt hẳn nhiều người không khỏi nghĩ đến sự giao hòa cân bằng giữa quá khứ hào hùng với một đô thị đang hiện đại hóa vùn vụt từng ngày.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và Văn miếu Trấn Biên
Tọa lạc trên diện tích đất rộng đường Đặng Đại Độ, di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những địa điểm du lịch hành hương trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Theo người dân địa phương, di tích được dân làng Bình Kính xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, thờ thần Thành hoàng bổn cảnh. Ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ được làm từ vách ván, mái ngói. Sau này, người dân cải miếu thành đình, thờ Nguyễn Hữu Cảnh làm phúc thần của làng xã. Thời vua Gia Long đã cho trùng tu lại đền và cắt cử 10 từ phu trông coi, chăm sóc.
TS Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai cho biết, năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đồng Nai. Ông đặt doanh trại tại Cù lao Phố, cùng quan chức dưới quyền thiết lập bộ máy hành chính nơi vùng đất mới. Nguyễn Hữu Cảnh định hướng cho vùng đất này, thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị hành chính, lập bộ tịch đinh điền…tạo cơ sở cho việc phát triển Đồng Nai, chính thức hóa vùng đất mới này vào lãnh thổ nước nhà.
“Bởi có công lao rất lớn, khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, người dân Biên Hòa Đồng Nai tỏ lòng biết ơn đã cải đình Bình Hoàng thành đình Bình Kính (nay là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh) thờ ông. Trong suốt 325 năm qua, người dân làm ăn ổn định, khí hậu thuận hòa, Đồng Nai trở thành vùng đất trù phú, thu hút nhân tài, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Hằng năm, nơi đây đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cảnh, nhất là trong các dịp lễ, Tết” - TS Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.
Văn miếu Trấn Biên cũng trở thành điểm đến hành hương trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người dân và du khách trên vùng đất 325 năm hình thành và phát triển. Văn miếu Trấn Biên đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng tại thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh (nay thuộc P.Bửu Long) với ý nghĩa nối tiếp, kế thừa truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội gắn liền với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc. Kể từ khi xây dựng, Văn miếu được trùng tu hai lần vào năm 1794 và 1852 với quy mô lần sau lớn hơn lần trước. Năm 1861, sau khi chiếm Nam kỳ, thực dân Pháp đã phá hủy hoàn toàn Văn miếu Trấn Biên nhằm hủy hoại một biểu trưng về văn hóa của xứ Đồng Nai nói riêng và phương Nam nói chung.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Văn miếu Trấn Biên được quy hoạch, phục dựng và trở thành một thiết chế văn hóa tâm linh, nơi báo công, tuyên dương những giá trị văn hóa, khoa học, giáo dục…của Đồng Nai. Văn miếu dành nơi trang trọng nhất trong Nhà bái đường để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; thờ các nhà giáo, nhà văn hóa tiêu biểu khác của cả nước và vùng đất Nam bộ. Mỗi hạng mục của công trình Văn miếu Trấn Biên đều thể hiện tâm huyết, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đối với truyền thống nhân văn và hiếu học của dân tộc.

Chùa Bửu Phong, TP.Biên Hòa là điểm đến tham quan thu hút du khách trong và ngoài tỉnh
Chùa Bửu Phong, TP.Biên Hòa là điểm đến tham quan thu hút du khách trong và ngoài tỉnh
Và những điểm đến ngày xuân
Thành Kèn là cái tên dân gian quen thuộc của Thành cổ Biên Hòa (P.Quang Vinh) - là ngôi thành chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử của vùng đất Đồng Nai nói riêng, Nam bộ nói chung. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có ghi lại việc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh dựng dinh Trấn Biên, lỵ sở trấn Biên Hòa đặt ở thôn Phước Lư. Năm Gia Long thứ 15 (năm 1816), lỵ sở được dời về khu gò đồi thấp ở thôn Bàn Lân. Thời vua Minh Mạng, thành Biên Hòa được sửa chữa, xây dựng và mở rộng. Năm 1834, thành xây đắp bằng đất do quan Khâm sai Đoàn Văn Phú chủ trì. Năm 1837 thành được xây bằng đá ong.
Trong thời gian chiếm đóng sau năm 1861, quân Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn diện tích của Thành Biên Hòa. Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Thành Biên Hòa đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhưng vẫn giữ được kiến trúc độc đáo cùng không gian thoáng mát. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, là điểm tham quan, nghiên cứu và du khảo “về nguồn” các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ.
Những ngày đầu xuân, hành hương trên vùng đất Biên Hòa không thể không nhắc đến những địa danh nổi tiếng của người Hoa như: Đình Tân Lân (P.Hòa Bình); Miếu Tổ sư (chùa bà Thiên Hậu, P.Bửu Long); Thất phủ Cổ miếu (chùa Ông); chùa Bửu Phong, chùa Đại Giác… Trong đó, chùa Ông được xây dựng vào năm 1684, sau 5 năm khi nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho đến Đồng Nai sinh sống. Đây là ngôi chùa Hoa được xây dựng sớm nhất ở Nam bộ, gắn với sự hưng thịnh của cộng đồng người Minh Hương ở vùng đất phương Nam.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu cho hay, các ngôi chùa do người Hoa dựng nên có cách bày trí tương tự nhau, thể hiện bản sắc riêng nhưng vẫn hài hòa trong không gian tín ngưỡng chung của nếp sống cộng cư của các dân tộc anh em. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát, chùa Ông đã mở cửa để bá tánh đến dâng hương, tham quan. Hằng năm nơi đây diễn ra Lễ hội chùa Ông từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng với nhiều hoạt động như: Lễ cúng Quan Thánh Đế Quân, lễ nghinh thần, thả phúc khí cầu, biểu diễn lân sư rồng…vừa giữ gìn giá trị văn hóa vừa thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh.

Thành kèn Biên Hòa - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay
Thành kèn Biên Hòa - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay