Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh liên tục phát hiện, tiêu hủy hàng chục tấn thực phẩm, chủ yếu là thịt, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối. Những thực phẩm này nếu được đưa ra thị trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Công tác thanh, kiểm tra ATTP sẽ tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán 2023
Công tác thanh, kiểm tra ATTP sẽ tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán 2023
Bắt chỗ này, chạy chỗ kia
Dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 đang đến gần, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Các cơ quan chức năng đang tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP).
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở NN-PTNT) cho hay, vừa qua, TP. Biên Hòa đã đưa vào hoạt động lò giết mổ tập trung gia súc, gia cầm tại KP.7, P.Long Bình và ngưng hoạt động 14 lò giết mổ tạm thời trong toàn thành phố. Tuy nhiên, một số lò giết mổ tạm thời trước kia không vào lò giết mổ tập trung mà chuyển đi nơi khác, có tình trạng mổ lậu nay chỗ này, mai chỗ kia gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Lực lượng chức năng phải thanh tra, trinh sát mới bắt được một số vụ, nhưng khi bắt được cũng chỉ được 1-2 con heo vì một ngày lò mổ có thể mổ cả trăm con heo nhưng mổ xong con nào thì chở con đó đi bán chứ không để tập trung tại cơ sở.
Vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã bắt, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc như vụ bắt 2,2 tấn gà chết trong P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa; phát hiện 17 con heo chết mang mầm bệnh dịch tả heo châu Phi tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất; hàng chục tấn thịt heo chết ở H. Trảng Bom…
Theo ông Giang, Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi heo nên việc heo chết là bình thường, nhưng điều bất thường là không thấy công khai việc tiêu hủy heo chết. Do vậy, đặt ra nghi vấn heo chết được tuồn ra thị trường. Bất chấp lợi nhuận, nhiều người mua heo chết với giá 200 ngàn đồng/con nhưng đưa về giết mổ, bán ra thị trường giá 6 triệu đồng/con như giá của một con heo khỏe mạnh bình thường.
“Một ngày mổ 10 con, người ta được lời 40-50 triệu, một tháng lời 1-2 tỷ đồng. Lực lượng chức năng phải rình mãi mới bắt được nhưng bắt được cũng chỉ xử lý hành chính mà không được xử lý hình sự, phạt có 7 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận họ thu về” - ông Giang chia sẻ.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y đề nghị các sở, ngành nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm những vi phạm về ATTP. Bởi việc tuồn hàng tấn thịt bẩn ra thị trường có thể “giết chết từ từ” hàng ngàn người chứ không phải là chuyện đơn giản. Phải xử thật nghiêm mới mong dẹp được vấn đề thực phẩm bẩn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Khắc Như, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh nhấn mạnh, một số chợ như ở P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa rất khó để kiểm soát và bắt hết được thực phẩm bẩn, thực phẩm chưa được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. Bởi cứ bắt chỗ này thì các tiểu thương lại tuồn đi chỗ khác, bắt hôm nay ngày mai lại tiếp tục làm vì xử phạt chỉ có vài triệu đồng không giải quyết được vấn đề gì. Trong năm 2022, lĩnh vực quản lý thị trường phát hiện 439 vụ vi phạm về ATTP, đã xử phạt 90 vụ.

Nhân viên siêu thị cân thịt heo cho khách
Nhân viên siêu thị cân thịt heo cho khách
Tăng cường thanh, kiểm tra ATTP
Theo ông Lê Minh Hân, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN-PTNT), trên địa bàn TP.Biên Hòa có rất nhiều chợ dân sinh, chợ tự phát, hàng ngày bày bán thực phẩm dọc nhiều tuyến đường, vừa gây mất thẩm mỹ, gây cản trở giao thông lại không đảm bảo ATTP. Tình trạng lót bìa các tôn để bày bán thịt heo vẫn diễn ra thường xuyên. Khi có đoàn kiểm tra đi qua thì tiểu thương vội vàng dọn dẹp, đưa hàng vào bên trong nhưng chờ khi đoàn kiểm tra đi khỏi, họ lại bày bán tràn lan như lúc đầu.
“Khi hỏi các tiểu thương buôn bán ở các chợ tự phát, chúng tôi được nghe trả lời “Tụi em bán ở đây cũng phải đóng hụi chết” nhưng đóng cho ai thì không biết” - ông Hân nói.
Để xử lý tình trạng trên, ông Hân cho rằng, việc phân cấp quản lý ATTP xuống đến cấp xã là hợp lý. Tuy nhiên, không phải xã, phường, thị trấn nào cũng làm tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn mình. Thậm chí, có những Bí thư, Chủ tịch xã khi được hỏi về Luật ATTP cũng rất mù mờ nên công tác quản lý ATTP cấp xã ở một số địa phương còn hạn chế, đang rất bỏ ngỏ.
“Chúng tôi đi kiểm tra, xử phạt những cơ sở vi phạm ATTP cũng chỉ phạt được những ông “có tóc” vì ban hành quyết định xử phạt mà không phạt được rất khổ, có khi cơ quan chức năng phải bỏ tiền túi ra để đóng phạt” - ông Hân nêu khó khăn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý ATTP trên địa bàn trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đảm bảo vệ sinh ATTP tỉnh cho hay, từ ngày 15-12-2022 đến hết 12-3-2023, tỉnh Đồng Nai thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra vấn đề ATTP. Trong đó, sẽ tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết và mùa lễ hội như: thịt, các sản phẩm từ thịt, nước giải khát, bánh, mứt, đồ uống có cồn…; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.