Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Quyết định chiến lược đúng đắn
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước những đòn tiến công mãnh liệt của quân và dân miền Nam cả về quân sự và chính trị, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đã bị phá sản, chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, Mỹ thay đổi chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, thực chất là “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Một mặt, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam; mặt khác, tiến hành leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, mở rộng chiến tranh xâm lược ra phạm vi cả nước. Trong ba năm 1965-1967, Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc.
Về phía ta, ngay từ đầu, Đảng ta đã nhận định: Mỹ buộc phải “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh vì chúng đang ở thế bị động về chiến lược. Mặc dù Mỹ đưa vào miền Nam mấy chục vạn quân và đánh phá ác liệt miền Bắc, nhưng lực lượng so sánh giữa ta và địch không có thay đổi lớn. Ta có cơ sở chắc chắn để giữ vững thế chủ động trên chiến trường, đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch. Trên thực tế, Mỹ càng leo thang chiến tranh, càng vấp phải những đòn giáng trả mãnh liệt của ta. Về mặt chính trị, ta nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến đấu, bóc trần bộ mặt xâm lược và tính chất nguy hiểm của các hành động leo thang chiến tranh cũng như thủ đoạn đàm phán hòa bình giả hiệu của Mỹ. Ta kiên quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt các hành động xâm lược, rút hết quân khỏi miền Nam và chấm dứt vô điều kiện mọi hành động chiến tranh chống miền Bắc. Điều kiện tiên quyết để có đàm phán mà ta đưa ra là: chỉ khi nào Mỹ chấm dứt ném bom, Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới nói chuyện với Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968 cùng với thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong đấu tranh chống chiến tranh phá hoại đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ. Đêm 31-3-1968, phát biểu trên truyền hình Mỹ, Tổng thống Johnson thừa nhận thất bại trong dịp Tết Mậu Thân và thông báo, đã ra lệnh chấm dứt mọi cuộc tiến công bằng máy bay và tàu chiến chống miền Bắc Việt Nam, đồng thời cam kết, “sẵn sàng đi bước đầu tiên trên con đường xuống thang” và không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Trong tình thế thay đổi có lợi cho ta, ta chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.
Cuộc đàm phán thế kỷ
Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Paris (Pháp) và sau gần 6 tháng đàm phán, hai bên đã đi đến thỏa thuận về việc Mỹ sẽ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kể từ ngày 31-10-1968; đồng thời, thỏa thuận về việc triệu tập một hội nghị tại Paris để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm các bên: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng ngàn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam, cuộc đàm phán Paris về Việt Nam là một hội nghị dài nhất trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới, kéo dài từ ngày 13-5-1968 và kết thúc vào ngày 27-1-1973. Cuộc đàm phán này là cuộc đấu trí vô cùng gay go, phức tạp, đầy kịch tính trên mặt trận ngoại giao và trải qua ba giai đoạn chính.
- Giai đoạn một bắt đầu từ ngày 13-5 đến 31-10-1968, đàm phán dưới thời Tổng thống Johnson. Khi đó ta đấu tranh buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ ngày 31-10-1968; chấp nhận việc triệu tập hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam gồm 4 bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Điều này đánh dấu xu thế không thể đảo ngược là thế và lực của ta ngày càng mạnh lên, Mỹ nguỵ ngày càng suy yếu và đi xuống.
- Giai đoạn hai từ ngày 25-1-1969 đến giữa năm 1972, lúc này Tổng thống Mỹ là Nixon mới nhậm chức. Bước vào Hội nghị, ta kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh nhưng đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân, đòi duy trì khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn.
- Giai đoạn ba từ tháng 7-1972, khi Mỹ buộc phải quay lại bàn đàm phán sau các thất bại ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Cuối tháng 12-1972, khi con át chủ bài cuối cùng của Mỹ - dùng B52 đánh phá hủy diệt Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc - đã bị quân và dân ta đánh gục trong chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không,” Mỹ mới chấp nhận ký hiệp định.
Ngày 27-1-1973, diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris, buộc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo đó, Hiệp định nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
Như vậy, trong thời gian khoảng 5 năm, cuộc đàm phán Paris về Việt Nam với thắng lợi đỉnh cao là Hiệp định Paris được ký kết đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của toàn dân tộc Việt Nam. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ.
Sáng mãi những bài học vô giá
Đã 45 năm trôi qua, kể từ khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Mỹ buộc phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với thắng lợi của Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Hiệp định Paris còn góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ khi toàn quân, toàn dân ta Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây cũng là tiền đề để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Vượt lên trên mọi ý nghĩa thông thường, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Cũng chính vì vậy, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là di sản vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị và can thiệp của nước ngoài.
Hội nghị Paris và Hiệp định Paris về Việt Nam mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, thể hiện cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá.
Đó là những bài học vô cùng ý nghĩa đối với hoạt động ngoại giao của Việt Nam cũng như ngoại giao của các nước nhỏ. Khi đối diện với các thách thức lớn, nhất định phải giữ vững độc lập tự chủ,nhất định phải phát huy được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ngoại giao thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển đất nước tiếp tục là một “mặt trận,” trong đó các cán bộ ngoại giao là những “người lính,“ không ngừng phấn đấu góp phần tích cực đưa đất nước vào vị thế có lợi nhất trong nền chính trị, nền kinh tế và văn hóa khu vực và toàn cầu. Chính vậy, những bài học của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị cho hiện tại và mãi mãi.
Bài học tiên quyết nhất là giữ vững độc lập tự chủ. Chúng ta có một bài học sâu sắc về độc lập và tự chủ từ Hiệp định Genève. Trong đàm phán Paris, bài học này đã được khắc phục và thực hiện một cách hoàn hảo. Từ khi bắt đầu chấp nhận đàm phán tới khi kết thúc đàm phán, ký kết hiệp định, nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ luôn luôn được bảo đảm. Độc lập tự chủ trong đường lối, trong chiến lược, chiến thuật đàm phán. Độc lập, tự chủ trong đưa ra các quyết sách.
Bài học tiếp theo là sự kết hợp nhịp nhàng giữa các mặt trận, nhất là kết hợp giữa mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao, giữa “vừa đánh vừa đàm”. Biến thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán, ngược lại những thắng lợi trên bàn đàm phán lại tạo thế cho những biến chuyển, thắng lợi lớn hơn trên chiến trường.
Bài học thứ ba là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm cho sức mạnh tổng hợp của chúng ta nhân lên bội phần.
Một bài học nữa là nghệ thuật chiến thắng từng bước. Hiệp định Paris là bài học về nghệ thuật chiến thắng từng bước được thể hiện qua chiến lược “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Những quyết sách của chúng ta tại các thời điểm mấu chốt trong quá trình đàm phán thể hiện rất rõ bài học này.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập