Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Như vậy, từ nông dân đến cơ sở đóng gói, xuất khẩu phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, hoạt động theo quy định trong Nghị định thư để đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này.

Thương lái đóng gói chuối xuất khẩu tại H.Định Quán.
Thương lái đóng gói chuối xuất khẩu tại H.Định Quán.
Việc xuất khẩu chính ngạch trái chuối tươi sang thị trường tiêu thụ lớn này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế rủi ro cho mặt hàng này.
Còn nhiều tiềm năng cho trái chuối tươi
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, sản lượng chuối cả nước hiện đạt khoảng 2,1 triệu tấn/năm. Năm 2021, chuối là mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau thanh long, xoài. Năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục tăng nhanh. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 2,45 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên xuất khẩu chuối tươi lại tăng mạnh với trị giá xuất khẩu đạt 237 triệu USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước và vươn lên đứng thứ 2 trong vị trí các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam.
Dự báo, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu chuối 1 tỉ USD, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Các chuyên gia nhận định, Nghị định thư vừa được ký kết sẽ mang đến mức tăng trưởng đáng kể cho quả chuối Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Như vậy, xuất khẩu của trái chuối tươi và chế biến, nhất là vào thị trường Trung Quốc tiềm năng còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm. Theo một số thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu chuối tươi, Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu trái chuối từ thị trường Việt Nam vì 2 nước láng giềng rất thuận lợi về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng trong khi dịch bệnh xuất hiện khiến cây trồng này kém hiệu quả.
Chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu chuối tươi vào thị trường Trung Quốc, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom), đơn vị đã thực hiện tốt việc làm mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung quốc cho biết, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam về mặt hàng rau quả, trái cây tươi. Trong giai đoạn xuất khẩu khó khăn nhất là do chi phí vận chuyển tăng cao, thị trường sát sườn này càng quan trọng. Tuy nhiên, đây không còn là thị trường dễ tính vì đã áp dụng chặt chẽ quy định mới từ quy trình trồng đến đóng gói đòi hỏi cả người nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi về tư duy sản xuất.
Phải thay đổi nhiều về quy trình sản xuất, đóng gói
Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có hiệu lực trong 5 năm. Theo nội dung ký kết, chuối tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật quy định trong Nghị định thư và không nhiễm bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Khi chuối tươi tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.
Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ NN-PTNT và được cả Bộ NN- PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Dưới sự giám sát của Bộ NN-PTNT, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); quản lý vùng trồng phải thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); tổ chức các hoạt động giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm trong cả năm...
Trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.
Nghị định thư nêu rõ các trường hợp bị từ chối xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, chuối của các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa được phê duyệt, hoặc chuối chín thì lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu. Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc có đất, lẫn tàn dư thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy hoặc xử lý. Đối với trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng cũng sẽ không được phép nhập khẩu hoặc tiêu hủy. Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thông báo cho Bộ NN-PTNT nếu phát hiện việc không tuân thủ các yêu cầu và tạm dừng nhập khẩu chuối từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan.