(CTT-Đồng Nai) - Đến thời điểm này, tất cả các ấp, khu phố trong tỉnh đã hoàn thành tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.
Thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, người dân mỗi khu dân cư nhìn lại hoạt động một năm và đề ra nhiệm vụ cho năm tới. Đồng thời, đây là dịp tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tạo nên niềm vui, khí thế thi đua đối với các tầng lớp nhân dân.

Một người cao tuổi tại ấp Qưới Thạnh, xã Phước An, H.Nhơn Trạch đập heo đất trong phong trào “Heo đất nghĩa tình” tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023
Một người cao tuổi tại ấp Qưới Thạnh, xã Phước An, H.Nhơn Trạch đập heo đất trong phong trào “Heo đất nghĩa tình” tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023
Hướng về cộng đồng
Một trong những điểm nổi bật của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là tùy theo điều kiện thực tế mà mỗi cộng đồng dân cư thực hiện hoạt động hướng về người nghèo.
Cụ thể, theo bà Chu Lưu Thụy Liễu Hạnh, Trưởng ban Công tác ấp 2, xã An Viễn (H.Trảng Bom), ấp có 525 hộ. Trong chương trình Ngày hội năm nay, ấp không tổ chức bữa cơm đoàn kết mà vận động kinh phí để tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các trò chơi tập thể có trao giải. Trước đó, đại diện của mỗi gia đình cùng ban điều hành ấp tham gia dọn dẹp vệ sinh, bài trí tại địa điểm diễn ra Ngày hội.
Còn theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phước An (H.Nhơn Trạch) Lê Ngọc Lân, trong chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các ấp, xã tiến hành tặng heo đất cho các hộ gia đình gắn với phát động phong trào Heo đất nghĩa tình. Với phong trào này, mỗi cá nhân, gia đình nuôi heo bằng cách tự tiết kiệm tiền lẻ trong chi tiêu hàng ngày. Khi gặp trường hợp khó khăn đột xuất hay các đợt phát động đóng góp giúp đỡ bà con bị ảnh hưởng bởi thiên tai, số tiền trong mỗi heo đất là kinh phí tức thời để bà con làm việc tốt.
Riêng tại KP.1, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), mỗi dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đều có phần bữa cơm đoàn kết. Ban điều hành khu phố tập hợp hội viên các tổ chức hội ở cơ sở tự tính toán chi phí nấu ăn, giúp giảm chi phí dành cho ăn uống đến gần một nửa so với tiệc đặt sẵn. Theo Trưởng ban Công tác KP.1, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) Bùi Thị Ly, tuy vất vả nhưng ai cũng vui vì thông qua việc làm này, mỗi người đã góp phần tạo nên những phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó học tốt trong khu phố.
Đáng lưu ý là trước tình hình phòng cháy, chữa cháy đặt ra những yêu cầu cấp thiết, nhiều ấp, khu phố đã vận động để tặng bình chữa cháy cho những gia đình không có khả năng tự trang bị. Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại KP.1, P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), Ban điều hành khu phố đã tặng 10 gia đình 10 bình chữa cháy. Ngoài ra, cán bộ Công an phường còn hướng dẫn bà con cách sử dụng bình chữa cháy tại nhà; lưu ý bà con phòng, chống cướp giật khi lưu thông trên đường.

Người dân KP1, P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa được tặng bình chữa cháy trong chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023
Người dân KP1, P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa được tặng bình chữa cháy trong chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023
Mỗi người góp một phần công sức
Để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra như kỳ vọng, ngoài những đóng góp về vật chất của mạnh thường quân thì sự chung tay “mỗi người một việc” của cộng đồng dân cư trong tổ chức sự kiện là điều rất quan trọng.
Cụ thể, ấp Tân Bình (xã Bình Minh, H.Trảng Bom) có 2,17 ngàn hộ với hơn 9 ngàn người. 94% dân số của ấp là đồng bào theo đạo Công giáo. Trong Ngày hội năm 2023, bà con giáo dân tại đây đã đóng góp tích cực trong việc tập luyện và biểu diễn các tiết mục văn nghệ, đóng góp kinh phí để trao tặng quà cho người nghèo, sắp xếp bàn ghế, phông màn để Ngày hội diễn ra suôn sẻ… Bên cạnh đó, bà con đóng góp ý kiến đối với ban ấp, chính quyền địa phương về những vấn đề còn vướng mắc.
Còn tại ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh), nơi có 150 hộ đồng bào dân tộc Chơro sinh sống, trong quá trình chuẩn bị Ngày hội, đội văn nghệ đồng bào Chơro tham gia luyện tập và biểu diễn nhiều tiết mục góp vui. Bà con đóng góp tặng quà cho bà con khó khăn, đồng thời gửi gắm mong mỏi đến với chính quyền về thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Theo Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thanh Bình, xã Lộc An (H.Long Thành) Nguyễn Văn Sê, ấp có hơn 3,4 ngàn hộ dân. Trong số này, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có khoảng 1,5 ngàn hộ dân. Năm 2022, do người dân đang trong quá trình xây dựng nơi ở tại vùng đất mới nên ấp không tổ chức Ngày hội. Đến nay, cuộc sống của bà con đã ổn định nên ấp tổ chức Ngày hội, qua đó thể hiện sự ổn định, hòa nhập nhanh chóng của bà con khi đến với vùng đất mới. Trong quá trình Ngày hội diễn ra, bà con trong ấp tùy thuộc vào độ tuổi đã tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ do đội, nhóm, CLB mình tập luyện.