Gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp được xác định là một trong ba giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, các trường nghề đã nỗ lực trong tìm kiếm, hợp tác, vận động các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nghề. Từ đây, nhiều mô hình liên kết đã ra đời, bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan.
Đào tạo nghề phối hợp
Xuất phát từ mô hình “Đào tạo kép” hay “Đào tạo song hành” đã rất thành công ở Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, với sự hỗ trợ của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), từ tháng 10-2014, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã vận dụng để thực hiện mô hình “Đào tạo nghề phối hợp” tại trường.
Trong mô hình này, cố vấn và chuyên gia của doanh nghiệp cùng với giảng viên của trường trực tiếp tham gia giảng dạy theo mô hình: 30% lý thuyết, 70% thực hành. Đến cuối quy trình đào tạo, học viên vừa là người học, vừa là người công nhân làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp và hưởng lương đảm bảo cuộc sống.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 chia sẻ: “Với mô hình mà chúng tôi đang thực hiện, doanh nghiệp có thể tham gia vào giai đoạn ban đầu - từ tuyển sinh (đưa ra các tiêu chí) hoặc có thể tham gia từ năm thứ 2, năm thứ 3. Doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình đào tạo, đánh giá sinh viên khi ra trường. Theo đó, phần lý thuyết cơ bản ban đầu sẽ được đào tạo tại Lilama 2, đối với phần thực hành chuyên sâu, nhà trường và doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại xây dựng chương trình riêng. Do đó, nếu nhà trường không có đủ trang thiết bị để sinh viên thực hành chuyên sâu thì có thể đưa về thực hành tại các doanh nghiệp. Với cách thức này, ngay cả các trường không được đầu tư mạnh về trang thiết bị vẫn có thể thực hiện được”.
Các giảng viên trong chương trình “đào tạo phối hợp” đang thực hành dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Đức tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.
Sau 2 khóa triển khai mô hình đào tạo phối hợp, có 101 sinh viên thí điểm cho 4 nghề nêu trên, theo đánh giá của các doanh nghiệp và tổ chức GIZ thì những lớp này đang đi rất đúng hướng. Chương trình đào tạo do nhà trường và doanh nghiệp cùng thiết kế đã đúng với yêu cầu của doanh nghiệp. Qua đánh giá sơ bộ của tổ chức GIZ, số sinh viên này đã đạt 100% các yêu cầu đặt ra. Trong quá trình đánh giá, các sinh viên đã làm tốt công việc của mình tại vị trí được thiết kế; đều có thu nhập ban đầu trong quá trình học (ban đầu 1 triệu đồng, hiện nay từ 3 - 4 triệu đồng/sinh viên).
Trước những kết quả khả quan như trên, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Trường cao đẳng Lilama 2 để hợp tác đào tạo. Đáng nói, trong số các doanh nghiệp liên kết trong đào tạo nghề với nhà trường, không chỉ có các doanh nghiệp FDI mà còn có cả doanh nghiệp trong nước. Tháng 6 vừa qua, nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với doanh nghiệp Thuận Hải (chuyên cung cấp lò hơi, nồi hơi). Theo đó, Thuận Hải giao toàn bộ việc đào tạo nghề cơ điện - điện tử và chế tạo cơ khí cho Lilama 2 để đảm bảo sản xuất của công ty trong thời gian tới. Với tốc độ phát triển của Công ty Thuận Hải như hiện nay thì ước tính trong vòng 5 - 10 năm tới, Cao đẳng Lilama 2 sẽ phải đào tạo từ 500 - 700 nhân lực các ngành kể trên cho công ty.
Mới đây nhất, ngày 22-8, Trường cao đẳng Lilama 2 đã ký thỏa thuận hợp tác công tư về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cao hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0 với Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (thuộc tổ chức GIZ) và Tổng cục Giáo dục nghề (DVET). Thỏa thuận nhằm tạo nên sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao; nghiên cứu và thực nghiệm những điều chỉnh trong các chương trình đào tạo kỹ thuật, theo sát nhu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và cuộc cách mạng số.
Tuyển dụng sớm rồi “gửi” trường đào tạo
Trong nhiều năm gần đây, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai (TP. Biên Hòa) đã cơ cấu lại các ngành đào tạo; đẩy mạnh phát triển chương trình, quy trình đào tạo theo hướng liên thông. Đồng thời, chương trình đào tạo được xây dựng mở để dễ dàng liên kết khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Trong quá trình xây dựng chương trình, nhà trường chủ động mời doanh nghiệp tham gia xây dựng các nội dung: chương trình đào tạo, kế hoạch học tập, kế hoạch thực tập, quá trình thẩm định chương trình… Ngoài ra, để nắm bắt thông tin của các doanh nghiệp, nhà trường thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu nhân lực của họ, đồng thời tìm hiểu việc đào tạo của nhà trường đáp ứng như thế nào so với thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Sau đó, hai bên cùng bàn bạc, thống nhất các kế hoạch học tập, các mô đun chuyên sâu ở doanh nghiệp…
Với cách làm chủ động này, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai đã thu được những kết quả tích cực. Nếu như trước đây, mỗi năm nhà trường cần gửi vài trăm học sinh, sinh viên đi thực tập cũng gặp rất nhiều khó khăn thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, nhà trường đã gửi hơn 500 sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp một cách thuận lợi. Đến nay, 117 doanh nghiệp đã nhận sinh viên của trường thực tập và điều đáng mừng là đa số doanh nghiệp đều có mong muốn nhận những sinh viên này vào làm việc tại công ty sau khi kết thúc thực tập.
Đặc biệt, năm 2018 này, nhà trường đã ký hợp đồng đào tạo với Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (100% vốn của Đức). Hình thức liên kết đào tạo như sau: Nhà trường chủ động tuyển sinh và đào tạo như bình thường. Đến đầu năm thứ 3, Schaeffler Việt Nam sẽ tổ chức tuyển dụng. Những sinh viên nào trúng tuyển sẽ được đào tạo theo một chương trình riêng trong vòng 1.000 giờ do công ty và nhà trường lên khung đào tạo.
Để thực hiện đào tạo chương trình riêng này, công ty đã tiến hành đào tạo cho các giáo viên, giảng viên của trường; đầu tư 2 phòng thực hành đặt tại trường. Số sinh viên trúng tuyển sẽ học tại 2 phòng học này. Đối với những mô đun chuyên sâu, sinh viên sẽ học tại công ty. Tất nhiên, toàn bộ số sinh viên này cũng sẽ thực tập tại công ty.
Trong quá trình đào tạo, Công ty Schaeffler hỗ trợ một phần kinh phí và nguyên vật liệu phục vụ thực hành. Các sinh viên học chương trình này sẽ được đánh giá theo tiêu chuẩn riêng của công ty. Các tài liệu giảng dạy, tiêu chí đánh giá sẽ được phía công ty gửi cho nhà trường. Kết thúc các mô đun môn học, công ty sẽ cử nhân viên kỹ thuật đến để cùng với nhà trường đánh giá kết quả.
Các sinh viên trúng tuyển sau khi tham gia khóa học sẽ được nhà trường cấp bằng cao đẳng theo quy định và được công ty ký hợp đồng lao động dài hạn. Hiện nay, có 24 sinh viên đã trúng tuyển và sẽ bắt đầu được đào tạo riêng từ năm học mới 2018 - 2019. 24 sinh viên này đồng thời là nhân tố được đào tạo để làm tổ trưởng các tổ sản xuất khi công ty mở rộng nhà máy. Theo kế hoạch hợp tác, trong 5 năm tới, do nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, công ty sẽ cần khoảng 300 - 400 lao động kỹ thuật qua đào tạo theo hình thức này tại nhà trường.
Với phương thức hợp tác kể trên, phía công ty sẽ thực hiện được kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong dài hạn; bảo đảm được tiêu chuẩn nguồn nhân lực có bằng cấp, chứng chỉ đúng quy định. Đồng thời, họ có thể sử dụng nguồn nhân lực trong thời gian đào tạo để thực hiện kế hoạch sản xuất trong ngắn hạn. Sau khi tuyển số sinh viên được đào tạo theo phương thức liên kết này thì phía công ty không phải tiến hành đào tạo lại nữa.
Về phía nhà trường, với phương thức hợp tác này có thể hoàn toàn chủ động trong tuyển sinh và đào tạo theo chương trình. Đồng thời triển khai được chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đào tạo theo địa chỉ; giải quyết được việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường cũng giảm được chi phí đào tạo do được công ty hỗ trợ nguyên vật liệu cho sinh viên thực tập.
Về phía học sinh, sinh viên, các em được thực tập với trang thiết bị hiện đại; sớm tiếp cận môi trường làm việc thực tế; được hỗ trợ một phần chi phí trong quá trình học tập (1 triệu đồng/tháng do công ty hỗ trợ), đảm bảo việc làm khi ra trường.
“Với những ưu điểm kể trên, trong năm học 2018 - 2019, Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai sẽ đẩy mạnh hình thực hợp tác đào tạo này bằng cách kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia tuyển dụng sinh viên từ cuối năm thứ 2. Nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện để hợp tác theo hình thức như trên, nhà trường có thể gộp 2 - 3 doanh nghiệp để mở một lớp đào tạo như vậy”, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai Ngô Kim Lân cho hay.
H.Yến – T.Nhân
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập