Nhiều lực lượng thuộc Công an nhân dân có quyền xử phạt vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch

Thứ năm - 20/05/2021 20:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Vừa qua, đại diện Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho biết trong thời gian tới lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông như chở quá số người quy định, sử dụng chất ma túy, uống rượu, bia, chất kích thích, đua xe trái phép… còn trực tiếp xử lý người tham gia giao thông vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch Covid-19. Điều này có thể là thông tin gây bất ngờ với nhiều người dân, tuy nhiên quy định trên là hoàn toàn đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

img-1-10-5-2021-h.jpg?t=1752456061Lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên ql 20 ( đoạn qua huyện Thống nhất). Ảnh : Lệ Bình

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 (trừ một số điều được quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/9/2020) thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được quy định cho nhiều chức danh ở các ngành khác nhau và mở rộng, cụ thể hơn rất nhiều so với Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ (đã bị thay thế bởi NĐ 117). Theo nghị định này, lực lượng công an được xử phạt vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch là nội dung quy định hoàn toàn mới so với trước đây (Điều 92 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Công an nhân dân chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm về dân số và phòng, chống tác hại của thuốc lá) và không chỉ lực lượng Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt quy định về áp dụng biện pháp chống dịch mà nhiều lực lượng khác của Công an nhân dân cũng có thẩm quyền này. 

Cụ thể tại Điều 106 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Chiến sĩ Công an nhân dân, Trạm trưởng, Đội trưởng, Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn công an, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh bao gồm: Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Cục trưởng Cục an ninh kinh tế, Cục trưởng cục CSPCTP về môi trường, Cục trưởng Cục CSGT, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; tùy theo chức danh được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả...

Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch (thuộc nhóm hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS) là  khi người vi phạm có một trong các hành vi sau:

Không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (chẳng hạn như không đeo khẩu trang nơi công cộng, khi tham gia giao thông…); không báo cáo với UBND hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc dịch theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng tẩy uế trong vùng có dịch; không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban chỉ đạo chống dịch; thu tiền khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (bệnh bại liệt, bệnh cúm A-H5N1, bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa...); không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh (trừ 1 số trường hợp) thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thì bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Ngoài  việc xử phạt chính, người vi phạm còn bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Như vậy, lực lượng công an ngoài nhiệm vụ thông thường, hoàn toàn có thể ra quân, phát hiện, bắt giữ xử phạt vi phạm hành chính đối với người không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông một cách độc lập mà không phụ thuộc vào các Tổ công tác liên ngành như thời gian trước đây.

Tại Đồng Nai, tính từ đầu tháng 5.2021 đến ngày 09.5.2021, các Tổ công tác của các phường, xã trên địa bàn TP Biên Hòa đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 55 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, cấp có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt mức trung bình 2 triệu đồng/cá nhân nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

                                                                                                          Xuân Thùy​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây