Bước vào nghệ thuật tạo hình ở tuổi đôi mươi, qua đôi mắt tinh tế và bàn tay tài hoa Trần Đình Thắng (hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai) đã biến những khối đá to lớn, những khúc gỗ hay khung sắt trở nên sống động và có hồn.
Ở tuổi 32 tuổi, anh đã có gần 15 năm tuổi nghề - một quãng thời gian đủ để chứng minh niềm đam mê, sự “già dặn” của chàng trai trẻ với nghề điêu khắc và mỹ thuật trang trí.
Tác giả Trần Đình Thắng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai
bên tác phẩm điêu khắc của mình
Say với điêu khắc…
Những ngày giãn cách xã hội, Trần Đình Thắng không chọn cách ở nhà cùng với gia đình mà anh ở lại xưởng điêu khắc để làm việc. Anh cho biết, hiện tại TP.HCM - nơi anh sống và làm việc đã nới lõng giãn cách, các hoạt động đã dần trở lại nhưng anh vẫn hạn chế đi lại đến mức tối đa nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Dù vậy, xưởng của anh vẫn nhận thực hiện các công trình điêu khắc, tạc tượng và mỹ thuật…
Trần Đình Thắng kể, anh sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Bình, từ nhỏ đã say mê mỹ thuật, thích tạc tượng từ các chất liệu gỗ, đá. Tốt nghiệp THPT, anh một mình khăn gói vào miền Nam theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai (Khoa Gốm điêu khắc), sau đó anh tiếp tục theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ra trường, anh chọn ở lại Đồng Nai và TP.HCM để lập nghiệp, dồn hết những kiến thức điêu khắc đã học cùng đam mê, sáng tạo của tuổi trẻ để tạo nên những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật độc đáo.
“Năm 2013, tôi được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Từ đây, tôi có nhiều chuyến đi thực tế sáng tác và cho ra đời các tác phẩm điêu khắc. Hầu hết các tác phẩm đều mang hơi thở cuộc sống, con người và vùng đất Đồng Nai. Tôi gọi tên tác phẩm của mình một cách giản dị, gần gũi, gắn với các sự vật, hiện tượng xung quanh như: Trưa hè (điêu khắc gỗ), Hào khí Trấn Biên (điêu khắc đá), Xế chiều (điêu khắc gỗ)…” - anh Thắng chia sẻ.
Như một cái duyên, hàng chục tác phẩm của anh sau khi tham gia các cuộc thi, triển lãm khu vực và toàn quốc đã đoạt giải cao. Có thể kể đến như: giải B Trịnh Hoài Đức tác phẩm Chiêm bao (điêu khắc đá năm 2017); giải B triển lãm mỹ thuật Đông Nam bộ tác phẩm Rừng già (hàn sắt năm 2019); giải khuyến khích triển lãm Mỹ thuật khu vực VII - Đông Nam bộ tác phẩm Đô thị III (hàn sắt năm 2020); giải nhì cuộc thi Điêu khắc lần thứ V-2021 với tác phẩm Lũ thượng nguồn…
Tác giả Trần Đình Thắng (bìa trái) bên tác phẩm Lũ thượng nguồn, đoạt giải nhì
cuộc thi Điêu khắc lần thứ V-2021 tại TP.HCM
Và những trăn trở với nghề…
Gắn bó với điêu khắc và mỹ thuật, chưa bao giờ Trần Đình Thắng ngừng học hỏi. Anh học thầy, học bạn để không ngừng tiến bộ với nghề và có thêm những góc nhìn nghệ thuật mới mẻ, nâng tầm giá trị tác phẩm. Anh cũng luôn trăn trở để nâng cao hơn nữa tính ứng dụng của điêu khắc trong bối cảnh hiện nay. Theo anh, điêu khắc chỉ đi vào cuộc sống, đi vào những công trình nghệ thuật thì mới có thể sống đời sống thực của nó, mang đến những giá trị văn hóa.
Kể về những tác phẩm và các giải thưởng, anh Trần Đình Thắng không quên nói rằng, đó là thành quả của quá trình lao động miệt mài trong suốt một thời gian dài. “Thực tế, ở Đồng Nai đã có một số công trình điêu khắc quy mô đặt trong những không gian công cộng phục vụ công chúng như: Văn miếu Trấn Biên, Trung tâm Sinh thái văn hóa lịch sử Chiến khu Đ… Tuy những không gian trưng bày tác phẩm điêu khắc chưa nhiều nhưng nhờ đó cộng đồng biết thêm những tác phẩm nghệ thuật. Tôi cũng như các nghệ sĩ điêu khắc khác mong muốn nhận được nhiều phản hồi từ bạn bè đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật về chất lượng của các tác phẩm” - anh Thắng bộc bạch.
Sáng tạo theo nhu cầu, làm hết khả năng mình có, Trần Đình Thắng vẫn đang giữ lửa nghề và niềm đam mê cái mới, giữ cho mình một lối đi, một phong cách riêng. Ở tuổi 33 nhưng có gần 15 năm đến với nghệ thuật điêu khắc, hiện anh vẫn đang tích cực sáng tác để có tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật Đồng Nai lần thứ nhất năm 2021; thường xuyên hướng dẫn những người trẻ có mong muốn theo học và đam mê với điêu khắc. Qua đó mang sức trẻ vào điêu khắc Đồng Nai, cùng gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật trong đời sống.
Thanh Thanh