Người lao động tự do xoay trở vượt khó thời đại dịch

Chủ nhật - 11/07/2021 16:02
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Đầu tháng 5-2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Điều này tác động lớn tới công việc làm thuê của những lao động nghèo, lao động tự do.
Không để dịch bệnh “cắt” mất đường sinh kế, nhiều thợ xây, thợ hồ đã linh hoạt chuyển sang làm công việc khác để mưu sinh như: đúc chậu cây cảnh, đúc cống, đánh bắt cá, làm thuê, làm mướn… để có thu nhập lo cho gia đình qua những ngày khó khăn vì dịch bệnh.
z2606969482782_d420c922f3d3bd8e1a4d4cdb279aa7fa.jpg
Nhờ kịp thời chuyển đổi nghề kịp thời, mỗi tháng ông Hai Nên (khu phố 4, TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) vẫn thu nhập được 10 triệu đồng từ công việc đúc chậu.
 * Thích nghi với hoàn cảnh mới
Khác với mọi năm, dù những ngày đầu tháng 7 thời tiết đẹp, thuận lợi cho việc khởi công các công trình xây dựng nhưng làng hồ xã Phú Cường (H.Định Quán) vẫn im ắng. Các giàn giáo, máy trộn hồ phần lớn được các chủ thầu và nhóm thợ cất vào kho hoặc che bạt vì công trình xây dựng ngày càng ít. Điều này dẫn tới việc người thợ xây, phụ hồ thiếu việc làm hoặc thất nghiệp ở xã rất nhiều.
Chủ thầu Bảy Kiên (ngụ ấp Phú Tân, xã Phú Cường) cho biết, trong xã có trên 20 thầu xây dựng lớn nhỏ và gần 500 thợ xây, phụ hồ. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân trong và ngoài xã giảm mạnh. Trong thời gian qua, các chủ thầu xây dựng ở đây thiếu công trình, hoạt động cầm chừng nên cánh thợ xây, phụ hồ cũng thiếu việc, thất nghiệp.
Tương tự, mấy tháng nay, chủ thầu xây dựng Hai Hiền (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) vẫn chưa nhận được công trình mới nào trong và ngoài huyện. Chủ thầu Hai Hiền tâm sự, vừa rồi có chủ nhà ở TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) gọi ông sang xây công trình mới nhưng ông từ chối vì bên đó dịch bệnh đang bùng phát cao.
“Dịch bệnh cộng theo giá cả vật liệu tăng cao nếu không biết tính toán thì dễ thua lỗ hoặc bị cách ly cả thầy lẫn thợ khi nơi đó bị phong tỏa hoặc có người mắc bệnh thì rất bất tiện” - ông Hai Hiền nói.
Theo một số thợ xây, thợ hồ ở xã Phú Cường, tiền công làm thợ xây, thợ hồ chỉ đủ trang trải chi phí gia đình hằng ngày, có khi đau bệnh còn không đủ thì lấy đâu dư dả nhiều. Do đó nếu liên tiếp thất nghiệp trong 10 ngày, nửa tháng là thợ xây, thợ hồ phải tìm công việc khác để sống. Thợ xây Hai Mạnh (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) cho biết: “Hễ ai kêu gì thì tôi làm nấy. Chẳng hạn như: đi bóc vỏ, cưa bạch đàn ở khu rừng trồng hoặc đi thả lưới, làm rẫy thuê. Người siêng năng thì không sợ thất nghiệp”.
Tương tự, thợ hồ Út Hiệp (ngụ ấp Võ Dõng, xã Phú Cường) có thâm niên 10 năm phụ hồ bày tỏ, hiện ông đang nhận coi rẫy thuê cho một chủ đất ở xã La Ngà (H.Định Quán) với mức lương 5 triệu đồng/tháng (bao cơm). Riêng thời gian rảnh rỗi lúc trông coi vườn, ông còn được chủ rẫy cho đi xịt thuốc, phát cỏ thuê cho những vườn rẫy xung quanh kiếm thêm được 3-4 triệu đồng/tháng.
“Nghề nào cũng vậy, có lúc thịnh, lúc suy. Miễn mình siêng năng, chịu khó xoay xở tìm việc làm thì không sợ thất nghiệp, đói kém. Còn dịch bệnh là tình hình chung của cả nước. Chỉ có người lười biếng, không chịu thích ứng với tình hình thì mới ngồi nhà than phiền, đổ lỗi hết cho COVID” - ông Út Hiệp vui vẻ cho biết.
* Cái khó ló cái khôn 
Vốn là thợ xây giỏi nhưng vì sức khỏe giảm sút, thêm phần công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên vào đầu năm 2020, ông Hai Nên (ngụ KP.4, TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) chuyển qua công việc đúc chậu trồng cây. Ông Hai Nên cho biết, ông bán hết đồ nghề làm thợ xây để sắm mấy món lỉnh kỉnh như: khuôn đúc, máy chà, sơn và cọ… rồi ngồi nhà tự đúc, tự tìm mối bán hàng. Nhờ khéo tay và sáng ý nên ông tự mày mò làm thành công các chậu kiểng có kiểu dáng như: phước - lộc - thọ, tùng - hạc, sen - thiên nga… nên được dân chơi cây cảnh TT.Vĩnh An để mắt tới.
“Nay tôi ngồi trong mát làm việc mà mỗi tháng cũng kiếm được trên 10 triệu đồng. Mấy tháng trước làm thợ xây, mỗi tháng chỉ làm được một tuần rồi ngồi nhà chờ việc nên rất chật vật trong việc kiếm tiền nuôi con ăn học” - ông Hai Nên bộc bạch.
Trong khi đó, ông Tư Mắm (ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) khi nghề thợ xây, thợ hồ ế ẩm thì linh hoạt chuyển đổi sang làm nghề đúc cống nhằm phục vụ cho các công trình dân dụng, bỏ mối cho các đại lý bán vật liệu xây dựng. Do là thợ xây khéo tay nên khi bắt tay vào đúc cống, ông Tư Mắm đã làm được những sản phẩm được khách hàng ưng ý. Ông Tư Mắm cười giòn nói: “Hễ cái gì liên quan tới gạch, đá, xi măng là tôi làm được hết ráo. Quan trọng là sản phẩm làm ra phải có người mua thì mới sống được và thoát cảnh nghề hồ ế ẩm vì dịch bệnh”.
Ông Chín Xung (ngụ xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) cũng giỏi xoay xở tình thế khi nghề thợ xây, thợ hồ rơi vào cảnh thất bát. Khi không có ai gọi ông đi làm thợ xây thì ông phụ đúc chậu, đúc cống cho người quen hoặc đến các gia đình khá giả yêu thích cây cảnh để làm chậu kiểng theo yêu cầu của họ để lấy tiền công. Thấy ông hiền lành, sức khỏe tốt lại yêu lao động nên hễ ai có việc, hàng giao gấp là gọi ông làm. Nhờ vậy, trong lúc nhiều bạn làm thợ xây thất nghiệp ngồi ở nhà thì ông vẫn có việc đều và thu nhập còn khá hơn trước.
“Thời nào cũng vậy, hễ siêng năng, chịu khó là không bị thất nghiệp. Tôi không có khả năng làm ông chủ thì đi làm thuê lấy công, nếu không biết tự xoay xở tìm việc mới thì chẳng lẽ ngồi nhà nhìn vợ con thiếu thốn” - ông Chín Xung tâm sự.
Tuy tìm được việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp nhưng các ông: Út Hiệp, Hai Nên, Tư Mắm, Chín Xung… vẫn mong dịch bệnh sớm qua, kinh tế sẽ phục hồi, phát triển, người dân sẽ tiếp tục xây nhà mới và nhiều người bạn làm thợ xây, thợ hồ của các ông lại có việc làm đều đặn, có thu nhập ổn định lo cho gia đình.
                                              Quỳnh Thư

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây