Người lao động mong chờ tăng lương

Thứ sáu - 31/03/2023 01:17
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Bộ LĐ-TBXH vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng (TTV) tại các doanh nghiệp (DN). Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương TTV trong năm 2024.
Thông tin này đang được nhiều người lao động (NLĐ) kỳ vọng, bởi sau thời gian dài khó khăn do việc làm bị ảnh hưởng, đa số NLĐ đều mong chờ tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu.
Nhiều người lao động đang kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Nhiều người lao động đang kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

NLĐ quan tâm, kỳ vọng
Hơn 20 năm làm công nhân tại một DN chuyên sản xuất giày da ở Khu công nghiệp Biên Hòa, chưa có năm nào thu nhập của chị Nguyễn Thị Vy bị giảm sút như năm nay. Theo chị Vy, từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình đơn hàng của công ty gặp khó khăn, chị cũng như bao đồng nghiệp khác bị cắt giảm từ 2-3 ngày làm việc trong tuần nên tính chung cả tháng, thu nhập của chị còn hơn chục triệu đồng. Do đó, khi hay tin chuẩn bị khảo sát mức lương TTV để xem xét, đề xuất tăng trong thời gian tới, chị Vy rất vui mừng.

Còn chị Trần Thị Yến, công nhân làm việc tại một DN sản xuất gỗ thuộc Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết, mức lương cơ bản của chị hiện được gần 4,7 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chị luôn tranh thủ nhận làm tăng ca để có thu nhập khá hơn. Tuy nhiên, tổng tiền lương nhận được hàng tháng của chị cũng chỉ 6 triệu đồng. Còn chồng chị làm lao động tự do, thu nhập không ổn định. Dù cả hai cùng đi làm, nhưng chi tiêu hàng tháng của gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ.

Theo chị Yến, do quê ở xa nên chị thuê nhà trọ, tiền điện, nước hết 1,7 triệu đồng/tháng. Riêng tiền gửi con đi học mầm non cũng gần 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt phí mỗi ngày… “Với công nhân chúng tôi, tăng lương sẽ góp phần chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế sau thời gian khó khăn. Tôi và nhiều lao động rất phấn khởi và mong muốn lương TTV sẽ tăng với mức hợp lý, đáp ứng sự kỳ vọng của NLĐ” - chị Yến chia sẻ.

Rà soát, đánh giá việc thực hiện lương TTV
Nắm bắt được những khó khăn của NLĐ, Bộ LĐ-TBXH đã yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc điều chỉnh, phân vùng lương TTV hiện hành. Cụ thể, đối với lương TTV theo tháng, các địa phương cần rà soát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện mức lương TTV, trong đó có việc thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận khác có lợi hơn cho NLĐ. Đặc biệt là thỏa thuận về trả lương cho NLĐ qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương TTV; đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện mức lương TTV và trả lương cho NLĐ.

Đối với lương TTV theo giờ, cần đánh giá rõ việc triển khai, áp dụng của các DN sau khi Chính phủ lần đầu ban hành mức lương TTV theo giờ. Khảo sát, thống kê các nhóm vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực thực hiện trả lương theo giờ, mức lương giờ phổ biến của các công việc trên. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng tính tiền lương TTV, Sở LĐ-TBXH phối hợp với ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, chi nhánh Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các DN trên địa bàn, báo cáo để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến gửi về Bộ.

Bộ LĐ-TBXH cũng yêu cầu các địa phương cập nhật tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các DN, cung - cầu lao động trên địa bàn trong quý I-2023; dự báo nhu cầu sử dụng lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương TTV áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ LĐ-TBXH sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức tiền lương TTV đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng cho năm 2024.

Thực tế, tăng lương TTV trong năm tới là việc cần thiết để đảm bảo đời sống NLĐ. Nhất là thời điểm từ giữa năm 2022 đến nay, đã có hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập.

Nhiều cán bộ Công đoàn cho hay, nhiều DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất sau thời gian giảm đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm của nhiều lao động. Do vậy, việc giữ chân NLĐ lúc này là một trong những nhiệm vụ mà DN đề ra để bảo đảm duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát mức lương, đời sống NLĐ tại các DN. Qua khảo sát cho thấy, tính cả lương và khoản tiền làm thêm giờ của NLĐ chỉ đủ trang trải các chi phí tối thiểu hàng ngày, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều lao động cho biết, mức lương TTV hiện tại quy định tại khu vực rất thấp, chưa đảm bảo đời sống NLĐ. Việc nâng mức lương TTV để đảm bảo cuộc sống của NLĐ trong năm 2024 là rất cần thiết và phù hợp.

Tác giả: Phong Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây