Đam mê đặc biệt với văn hóa lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai, anh Lê Ngọc Quốc (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) luôn dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tổ chức các chương trình giới thiệu di tích lịch sử, danh thắng để lan tỏa văn hóa truyền thống đến với mọi người.
Anh Lê Ngọc Quốc (đứng thứ nhất, từ phải qua) đang giới thiệu mô hình Sa bàn Thành cổ Biên Hòa do anh phục dựng, trưng bày tại Văn miếu Trấn Biên
“Say” văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai
Mặc dù sinh ra ở Quảng Trị nhưng anh Lê Ngọc Quốc (54 tuổi) lại có tình yêu và sự am hiểu sâu sắc về di sản văn hóa vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển này. Anh Quốc cho biết, nhiều năm trước khi còn là sinh viên ngành Sân khấu, Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai có dịp thăm thú di tích, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, anh đã rất ấn tượng với vẻ đẹp cũng như tiềm năng của hệ thống các di sản. Ra trường, có thời gian công tại Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai (cuối những năm 80), anh đi khắp nơi biểu diễn, tìm hiểu thêm văn hóa truyền thống của các vùng miền và địa phương.
Năm 1990, theo chính sách tinh giảm biên chế, anh Lê Ngọc Quốc rời Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai, “gác” lại tình yêu với nghệ thuật rồi “tay ngang” chuyển sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Sau 7 năm theo nghề, anh đã thành lập Công ty TNHH xây dựng Hưng Lê chuyên cung ứng vật tư, xây dựng nhà cửa, đền đài… Cũng từ đây, anh có cơ hội tiếp xúc và tự tay thực hiện nhiều công trình, di sản văn hóa. Những trải nghiệm về Biên Hòa - Đồng Nai cứ ngấm sâu trong anh khiến tình yêu ngày càng căng đầy và rồi với tất cả sự nâng niu, anh biến cảm xúc thành những hành động.
Anh Quốc kể, hơn 10 năm về trước theo di nguyện của ông nội là mong muốn con cháu tìm lại một nhánh dòng họ Lê ở Quảng Trị bị “thất lạc” vào vùng đất Gia định xưa. “Đó là động lực thôi thúc tôi thường xuyên đến các đình chùa, miếu mạo, gặp các bô lão, những người ghi chép lịch sử… để tìm hiểu, nghiên cứu. Càng tìm tôi càng cảm nhận được gần gũi của di tích cũng như những không gian văn hóa và giá trị cốt lõi của văn hóa Nam bộ. Bởi vậy trong tôi đã nảy ra ý muốn góp phần nhỏ bé giới thiệu nền văn hóa lâu đời của Đồng Nai và các vùng miền đến với mọi người” - anh Quốc nói.
Hiện tại, anh Quốc vẫn chưa hoàn thành tâm niệm của ông nội nhưng với kinh nghiệm hơn 10 năm nghiên cứu giá trị di sản, anh đã có một “gia tài” kha khá về kiến thức, kinh nghiệm và cả sự trải nghiệm. Cũng bởi lý do sức khỏe, anh giao quyền quản lý công ty cho người em và dành nhiều thời gian hơn cho công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, anh lại nói rằng, chỉ xem nghiên cứu di sản như là một diễn đàn để “chơi”. Ấy là cách nói khiêm tốn của anh bởi ai cũng biết thời gian qua anh đã góp phần không nhỏ để gìn giữ văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai và lan tỏa trong cộng đồng.
Cùng với công tác nghiên cứu, anh Quốc còn đẩy mạnh hoạt động phục dựng, sửa chữa một số hạng mục tại các di tích trên địa bàn TP.Biên Hòa như: Đình Bình Trước (phường Thống Nhất), đình Tân Mai (phường Tân Mai), chùa Hóc Ông Che, đình Bình Trị (phường Hóa An)… Tháng 6-2020, anh Quốc cùng với nhóm tác giả đã cho ra mắt cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa Thành cổ Biên Hòa xưa tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên. Cuốn sách được Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành.
Giới thiệu và lan tỏa đến cộng đồng
Cho đến nay, anh Lê Ngọc Quốc đã có hàng trăm bài viết ngắn về các di tích lịch sử giới thiệu trên mạng xã hội zalo, facebook, youtobe… và hàng chục bài viết trên các tạp chí chuyên ngành mà anh cộng tác thường xuyên. Với những phát hiện mới về lịch sử, văn hóa của Biên Hòa - Đồng Nai anh thường tìm đến tận nơi, quan sát, ghi chép, nhờ các nhà nghiên cứu đi trước và các bô lão hướng dẫn để hiểu thêm. Anh cũng tích cực đọc sách, kiếm các tài liệu chính thống trên mạng xã hội. Công việc này giúp anh gợi mở thêm nhiều điều mới lạ...
Anh Quốc bảo, nếu như trước đây, tình yêu quê hương là một thứ tình cảm tự nhiên, thì những hiểu biết, khiến nó thêm sâu sắc. “Ði qua những con phố, những ngôi nhà, những di sản ông cha để lại, tôi hiểu rằng đằng sau đó là những câu chuyện “trăm năm dâu bể”. Tình yêu với di sản văn hóa khiến tôi cảm thấy mình có trách nhiệm hơn, và nó được thể hiện bằng những nghiên cứu ngày một dày hơn” - anh Quốc chia sẻ. Đó cũng là cách mà anh Quốc đang cố gắng để có thể giữ lại từng chút truyền thống trong một thế giới có quá nhiều thay đổi và biến động như hiện nay.
Với những ai yêu vùng đất có lịch sử hơn 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai chắc hẳn sẽ đều biết đến trang facebook Biên Hòa dấu yêu. Biên Hòa dấu yêu do anh Lê Ngọc Quốc lập ra chuyên giới thiệu những nghiên cứu mới về hệ thống di tích xưa và nay, những nét tiêu biểu của văn hóa Đồng Nai. Hiện, trang face này đã có hơn 6,5 ngàn người theo dõi, có những phản hồi rất tích cực và được mọi người đánh giá cao, xem đó như là tín hiệu vui trong việc lan tỏa những giá trị văn hóa đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Lê Ngọc Quốc nói sẽ tiếp tục song song các hoạt tìm hiểu, nghiên cứu và tôn tạo, bảo quản di tích. Anh chỉ mong rằng, những tư liệu văn hóa lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai mà mình giới thiệu đến mọi người, nhất là người trẻ sẽ tiếp thêm động lực, tình yêu quê hương, mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng họ khôn lớn. “Bởi chỉ khi biết yêu quê hương mình thì mới có tình yêu lớn hơn, đó là yêu Tổ quốc. Từ đó, góp sức xây dựng một Việt Nam giàu đẹp, văn minh” - anh Quốc nhấn mạnh.
TS.Lê Quang Cần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ: “Những tư liệu về di tích, Thành Biên Hòa, đời sống văn hóa chợ… do anh Lê Ngọc Quốc thực hiện qua những lần nghiên cứu thực địa được giới thiệu trên sách, báo, tạp chí và mạng xã hội là những tư liệu có giá trị. Tin rằng, bằng tình yêu sâu sắc với mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai, anh Quốc sẽ có thêm nhiều ý tưởng, nhiều công trình nghiên cứu mới, lan tỏa giá trị văn hóa đến với bạn bè gần xa”.
Thanh Thanh