Nghịch lý thừa, thiếu trái cây tươi

Thứ ba - 14/06/2022 14:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Trái cây tươi tại vùng sản xuất bị ùn ứ, khó tiêu thụ nhưng doanh nghiệp lại gặp khó trong tìm nguồn cung trái cây đạt chuẩn xuất khẩu đi những thị trường khó tính.

Xoài bị ùn ứ, rớt giá do xuất khẩu gặp khó. Thu hoạch xoài tại nhà vườn xã Phú Cường, H.Định Quán. Ảnh: Phan Anh
Xoài bị ùn ứ, rớt giá do xuất khẩu gặp khó. Thu hoạch xoài tại nhà vườn xã Phú Cường, H.Định Quán. Ảnh: Phan Anh

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là trái cây Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Trong đó, thị trường vốn dễ tính như Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát, đặt tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với trước về chất lượng nông sản nhập khẩu.

Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm

Thời gian qua, xuất khẩu trái cây tươi gặp khó, thậm chí bị đình đốn do những nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng dịch Covid-19, lạm phát…

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá các loại trái cây có sản lượng lớn, xuất khẩu tốt như: xoài, mít, thanh long, chuối…đều rơi vào cảnh rớt giá, ùn ứ vì khó tiêu thụ. Theo đó, giá các mặt hàng trái cây hè như chôm chôm, bơ, sầu riêng, măng cụt…cũng giảm mạnh ngay từ đầu vụ vì nguồn cung trái cây lớn hơn cầu.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường sát sườn và tiêu thụ lớn với trái cây tươi Việt Nam hiện xuất khẩu vào thị trường này bị giảm sút mạnh. Tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành Nam Bộ, ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, tháng 3, tháng 4 sản lượng xuất khẩu rau củ quả đều giảm 18% so với năm 2021 vì 2 tháng qua Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt Covid-19 trên bao bì, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn gốc bao bì nông sản nhập khẩu vào nước này. Liên minh châu Âu cũng tăng cường kiểm tra về chất lượng nông sản, cụ thể như mặt hàng thanh long nên ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu trái cây nói chung, trái thanh long nói riêng vào châu Âu.

Ngoài chính sách nói không với Covid-19, Trung Quốc đang áp dụng hàng loạt quy định mới với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Trong đó, việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch cũng sẽ ngày càng khó khăn. Theo đó, cả doanh nghiệp, thương lái và nông dân đều phải chủ động thay đổi theo yêu cầu mới của thị trường này từ việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhất là trong việc chuyển đổi sang hướng xuất khẩu theo kênh chính ngạch. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm tra về đóng gói đến chất lượng, rất nhiều lô hàng xuất khẩu rau, trái cây của Việt Nam không đạt kiểm dịch, đặc biệt là về chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây nên bị trả về. Để không rơi vào tình cảnh bị động trước những quy định mới từ phía Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu như: có mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật - thực vật, quy trình canh tác, bao bì, đóng gói đều phải theo quy chuẩn...

Thương lái đóng chuối xuất khẩu tại nhà vườn xã Thanh Sơn, H.Định Quán. Ảnh: Phan Anh
Thương lái đóng chuối xuất khẩu tại nhà vườn xã Thanh Sơn, H.Định Quán. Ảnh: Phan Anh

Thiếu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Một nghịch lý lớn hiện nay là nhà vườn đổ bỏ trái cây tươi vì khó tiêu thụ nhưng thị trường lại thiếu nguồn cung trái cây đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Theo các vựa thu mua, đóng hàng xuất khẩu trái cây tươi, do giá bán thấp, nhà vườn không chăm chút đầu tư, chất lượng trái giảm nên tỷ lệ xoài, chuối, thanh long… đạt chuẩn xuất khẩu cũng rất thấp. Hạn chế lớn nhất là cả chất lượng và sản lượng trái cây của Việt Nam đều chưa đạt yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính. Ngay cả thị trường vốn dễ tính như Trung Quốc hiện cũng đã siết chặt các quy định về nhập khẩu, kiểm dịch với trái cây và nhiều mặt hàng nông sản khác.

Nguyên nhân chính là do nông dân chưa quan tâm nhiều đến sản xuất theo chuẩn an toàn của các thị trường xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) chia sẻ: “Nhiều siêu thị lớn đặt vấn đề đưa trái cây an toàn của trang trại vào tiêu thụ trong hệ thống. Tôi cũng có một số đối tác ở Hà Nội, thậm chí có khách hàng Nhật Bản đặt vấn đề bao tiêu xuất khẩu trái xoài cát Hòa Lộc. Nhưng trang trại không thể đáp ứng về sản lượng. Sản xuất đạt chuẩn an toàn của thị trường xuất khẩu khó tính ở địa phương còn ít và yếu ớt lắm. Việc liên kết với các nhà vườn khác sản xuất theo chuẩn xuất khẩu không phải dễ vì đa số nông dân vẫn bị động chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chờ có doanh nghiệp bao tiêu thì mới chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn”.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây