Nghệ sĩ Đồng Nai sinh năm 1975 và những cống hiến

Chủ nhật - 30/04/2023 18:06
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

48 năm kể từ đại thắng mùa Xuân 1975, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Các thế hệ văn nghệ sĩ Đồng Nai đã và đang nỗ lực học tập, lao động, sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ để xứng đáng với thế hệ cha anh đã đổ máu xương giành hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.

img1-30-4-2023-hung.jpg?t=1752814360

Nhà văn Trần Thu Hằng (ngoài cùng, bên trái) vinh dự đoạt giải C giải thưởng Trịnh Hoài Đức giai đoạn 2015-2020

Giữa lửa đam mê

Nhà văn Trần Thu Hằng là một trong những “cây bút" tiêu biểu ở mảng văn chương lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Sinh ra trong ra trong hòa bình, thống nhất (năm 1975), dẫu thời điểm đó đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thử thách sau chiến tranh, song Trần Thu Hằng như “cây non" được tôi luyện qua những ngày giông bão, trải nghiệm, trưởng thành và ngày càng sắc sảo hơn. Có lẽ bởi chính những những trải nghiệm lịch sử đặc biệt ấy cùng những va đập của nghề viết đã trở thành “lưng vốn" để chị mang đến cho bạn đọc nhiều tác phẩm ấn tượng.

Nhà văn Trần Thu Hằng sáng tác ở nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài đến làm thơ, viết báo... Trong số đó phải kể đến các tiểu thuyết Đàn đáy, Rừng thiêng vẫy gọi, Người đàn bà lưu vong; tập truyện Chuyến tàu ước mơ, Cơn lũ, ốc sên và hoa, Chàng thợ gốm… Chừng ấy tác phẩm đã xuất bản và còn những ý tưởng mới đang ấp ủ nhưng dường như đó không phải là một “kho tài sản" của riêng chị mà là “kho báu" cho bạn đọc biết thưởng lãm. Mới đây nhất, chị vinh dự được trao tặng giải C giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức giai đoạn 2015-2020 với tiểu thuyết Tiếng gọi.

“48 năm lớn lên cùng những mùa xuân hòa bình, thống nhất, tôi hiểu hết những khó khăn mà cả thế hệ mình phải trải qua, thiếu thốn về cơ sở vật chất và thiếu cả những cơ hội như các bạn trẻ bây giờ. Nhưng tôi luôn cảm thấy may mắn, tự hào khi bản thân mình luôn giữ được tình yêu, đam mê với nghề viết. Quê hương, đất nước hôm nay đang đổi thay từng ngày. Sự đổi thay ấy đã và đang tạo động lực cho tôi, các thế hệ văn nghệ sĩ Đồng Nai lao động, sáng tạo, viết tiếp những câu chuyện đẹp của ngày hôm qua và hôm nay" - nhà văn Trần Thu Hằng chia sẻ.

Thuộc thế hệ nghệ sĩ sinh năm 1975, họa sĩ Nguyễn Văn Bình (giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) - người con xứ Huế có duyên gắn bó với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai từ năm 1999. Anh kể, từ khi còn rất nhỏ anh đã đam mê vẽ tranh, lớn lên anh theo đuổi nhiều dòng tranh khác nhau như: tranh lụa, tranh khắc gỗ, tranh sơn dầu, sơn mài, in thạch cao, tranh cổ động và cả thiết kế mỹ thuật ứng dụng. Đặc biệt, các sáng tác của anh phần lớn thể hiện nét đẹp của con người và vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai. Nhiều tác phẩm của anh tham gia các hội thi, liên hoan đoạt các giải thưởng VHNT trong và ngoài tỉnh.

Ở thời điểm hiện tại, họa sĩ Nguyễn Văn Bình tích cực hoạt động phong trào của trường và của lớp. Anh nói rằng, thế hệ anh may mắn sinh lúc đất nước hòa bình, thống nhất. Như bao gia đình sau chiến tranh, cái khó, cái nghèo đã không ngăn cản con đường đến trường để theo đuổi ước mơ và đam mê nghệ thuật. Để truyền lửa đam mê đến thế hệ trẻ hôm nay, anh không ngừng sáng tạo, đưa các tác phẩm vào phục vụ cho hoạt động giảng dạy, tham gia viết sách chuyên đề mỹ thuật địa phương cho học sinh THCS ở Đồng Nai. Với anh, đó là những cách nuôi dưỡng tinh thần, giữa tình yêu với nghệ thuật và cuộc sống.

Không ngừng sáng tạo và lan tỏa

Là người gốc miền Trung, sinh ra ở miền Bắc nhưng từ nhỏ NSƯT Quế Anh đã lớn lên, sinh sống và làm việc ở miền Nam. Cũng thuộc thế hệ nghệ sĩ sinh năm 1975, NSƯT Quế Anh sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, thêm vào đó, lại được “trời phú" giọng hát ngọt ngào, diễn xuất đa dạng đã giúp chị sớm được khán giả yêu quý và đón nhận. Chị từng tạo “dấu ấn" với hàng loạt các vai diễn như: Xuân Mai vở Uy quyền và tội ác; Mạc Hà vở Ánh đèn khuya; hay vai Hoài Thu trong vở Vượt qua tâm bão… Các vai diễn đã mang về cho chị nhiều HCV, HCB tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Năm 2019, kịch bản Niềm khát do chị sáng tác, đạo diễn đã đoạt giải thưởng tác giả triển vọng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm ở Hà Nội. Mới đây nhất, chị vinh dự đoạt giải B giải thưởng Trịnh Hoài Đức, giai đoạn 2015-2020 với vở diễn Nhân danh công lý. Đặc biệt, để đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng, chị cùng với tập thể Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tổ chức các buổi livestream. Đồng thời, ghi hình, phát sóng các chương trình nghệ thuật, các trích đoạn và vở cải lương trên các kênh của VTV, Đài PT-TH Đồng Nai…phục vụ công chúng khán giả trong và ngoài tỉnh.

Đến với nhiếp ảnh từ năm 2013, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hà (quê ở tỉnh Nam Ðịnh), hiện là hội viên Hội VHNT Ðồng Nai đã và đang ghi dấu với nhiều tác phẩm ảnh: Lưu truyền văn hoá (triển lãm ảnh khu vực Ðông Nam bộ năm 2017); Hồn nhiên tuổi thơ (triển lãm quốc tế tại Việt Nam năm 2019); Sắc màu thiên nhiên (giải nhất cuộc thi ảnh H.Vĩnh Cửu); Trên không (HCV cuộc thi ảnh nghệ thuật EVN năm 2019); Lối về (giải C giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức, giai đoạn 2015-2020)…

Nghệ sĩ Mạnh Hà nói rằng, anh may mắn sinh ra khi đất nước thống nhất (năm 1975), lớn lên trong niềm vui hòa bình. Bởi vậy, trong các sáng tác, ảnh nghệ thuật của anh không chỉ toát lên vẻ đẹp bình dị của cuộc sống đời thường mà còn ẩn chứa trong đó cả hơi thở của thời đại, cách nhìn, cách cảm của người nghệ sĩ trẻ. Qua nhiếp ảnh, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hà đã và đang lan tỏa vẻ đẹp cuộc sống, con người, vùng đất Đồng Nai cũng như tinh thần tích cực và tạo cảm hứng đến với cộng đồng.​


Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây