(CTT-Đồng Nai) - Năm 2024 là năm cuối cùng để phấn đấu hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Ngành nông nghiệp tỉnh có nhiều nội dung lớn với mục tiêu cao cần đạt trong xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), tập trung tái cơ cấu nông nghiệp…

Mô hình nuôi vịt công nghiệp tại H.Long Thành.
Mô hình nuôi vịt công nghiệp tại H.Long Thành.
Đạt thành tích cao
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, năm 2023, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt trên tất cả các lĩnh vực với nhiều điều 'lần đầu tiên' và nhiều cái 'nhất'. Cụ thể, ngành nông nghiệp Đồng Nai đóng góp vào những thành tựu trên với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 3,94%, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ, đóng góp 9,64% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh. Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh tiếp tục giữ vị trí Top đầu cả nước; đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số sản phẩm OCOP.
Đây cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của ngành Nông nghiệp của tỉnh trong xuất khẩu trái cây tươi chính ngạch cả về lượng và chất. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh đánh giá, năm 2023, ngành nông nghiệp thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đột phá về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản… Dự ước, tổng sản lượng xuất khẩu 2 sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh là chuối và sầu riêng đạt 168,5 ngàn tấn, giá trị đạt gần 4,8 ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy uy tín về chất lượng nông sản Đồng Nai ngày càng tăng khi tham gia thị trường quốc tế.
Có được kết quả ấn tượng về xuất khẩu trái cây tươi nhờ Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, giá cả cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng, hỗ trợ việc giám sát trong quá trình sản xuất. Quan trọng, doanh nghiệp đã hợp tác, gắn kết với HTX, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại H.Xuân Lộc.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại H.Xuân Lộc.
Tiếp tục nỗ lực bứt phá
Trên những thành quả đã đạt được của năm trước, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu cao cao trong năm 2024, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 huyện hoàn thành NTM nâng cao. Đồng thời, phấn đấu tăng GRDP nông lâm thủy sản khoảng 3-3,5%; ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh 52%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 84,5%...
Ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, năm 2023 dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Sở NN-PTNT tỉnh đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, bám sát thực tiễn, phối hợp đồng bộ với các ngành các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật. Đặc biệt, ngành đạt và vượt mục tiêu trong triển khai các nhiệm vụ đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, hiệu quả công tác cải cách hành chính được nâng cao. Theo đó, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu cao với tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản từ 3 – 5%. Ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, nhất là các mục tiêu đột phá, quan trọng của ngành như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, năm 2024, ngành nông nghiệp có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện, nhất là trong xây dựng NTM là không có điểm dừng. Theo đó, ngay từ quý I năm 2024, ngành nông nghiệp cần chủ động, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Các địa phương cần xây dựng các nghị quyết tập trung thực hiện xây dựng NTM, đặc biệt trong thực hiện các tiêu chí khó, dễ xảy ra vi phạm; cần phát động phong trào thi đua, khen thưởng ở các cấp xã, huyện, tỉnh để khơi dậy tinh thần tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị.