(CTT-Đồng Nai) - Ảnh hưởng của thị trường thế giới khiến các ngành dệt may bị giảm đơn hàng rất lớn và phải sản xuất cầm chừng. Song từ Quý 3-2023, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại và việc sản xuất hoạt động đều hơn. Đây là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Lao động phấn khởi làm việc vì doanh nghiệp có đơn hàng trở lại
Lao động phấn khởi làm việc vì doanh nghiệp có đơn hàng trở lại
Ghi nhận tại 1 số doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Đồng Nai cho thấy, các doanh nghiệp đều có đơn hàng trở lại. Mặc dù lợi nhuận không cao do đối mặt với tình trạng giảm giá thành và cạnh tranh sản phẩm song các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì tình hình sản xuất, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động.
Cụ thể, Công ty TNHH Sơn Hà (TP.Biên Hòa) có tổng cộng trên 1 ngàn lao động. Ông Nguyễn Hòa Thanh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, trong năm 2022 đến nay, tình hình kinh tế khó khăn chung, tình trạng thiếu đơn hàng, giá thành giảm tác động mạnh tới công ty. Cụ thể, đơn hàng may mặc, giá giảm từ 30 đến 50% so với các năm trước. Thậm chí đơn hàng không đúng với sở trường nhưng công ty vẫn phải làm để đảm bảo việc làm đối với người lao động. Hiện công ty đã có đơn hàng đến tháng 3 năm 2024 nhưng giá thấp, song tạo công việc thường xuyên cho NLĐ.
Trong khi đó, Công ty TNHH Wacoal Việt Nam cũng đang sản xuất ổn định và tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Theo doanh nghiệp, thời gian qua, dù đơn hàng có giảm nhưng không ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống NLĐ. Hiện doanh nghiệp vẫn có đơn hàng và NLĐ có việc đều dù không tăng ca như trước. Ngoài ra, các chế độ, chính sách vẫn thực hiện đầy đủ cho công nhân lao động.
Nhiều doanh nghiệp khác mặc dù khó khăn nhưng không giảm lao động. Với phương châm có người lao động thì công ty mới tồn tại, các doanh nghiệp vừa lo giữ chân lao động vừa “xoay sở” để tìm đối tác xuất hàng lâu dài. Các doanh nghiệp cho biết, mong muốn hàng tháng vẫn giữ được người lao động và vẫn đang xoay sở để xuất hàng dù lợi nhuận chưa cao và đơn hàng không phong phú như trước.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay trên toàn tỉnh có 170 doanh nghiệp hoạt động sản xuất khó khăn. Trong đó có nhiều doanh nghiệp ngành dệt may. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng dồi dào, tuy nhiên đó không phải là các đơn hàng truyền thống mà là nhiều mặt hàng liên quan đến ngành may mặc. Trong khi đó, yêu cầu của khách hàng ngày càng khắt khe, giá thành giảm khiến doanh nghiệp không có lợi nhuận.