Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó có thị trường bán lẻ. Mặc dù vậy, các kênh bán lẻ vẫn đang khẳng định vai trò quan trọng làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, góp phần không làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nhất là những loại hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều chợ truyền thống vẫn tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19.
Người dân chọn mua các sản phẩm tiêu dùng tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa.
Đại diện nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong tỉnh chia sẻ, hiện nay nguồn hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, các mặt hàng tiêu dùng… được chủ động đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng liên tục cập nhật, triển khai các kênh bán hàng thay thế, điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa nhằm thay thế các chợ tạm đóng cửa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Các kênh bán lẻ chủ động tuân thủ trong việc niêm yết giá, bán đúng giá, đủ số lượng…
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, siêu thị chủ động các phương án về phòng, chống dịch Covid-19, duy trì nguồn nhân sự, nhân viên để đảm bảo hoạt động, cung ứng hàng hóa cho người dân. Hiện nay gần như 100% nhân viên siêu thị đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 và khoảng 70% nhân viên đã được tiêm đủ 2 mũi. Siêu thị cũng đã tập hợp danh sách nhân viên để hoàn thành 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Đối với các kênh bán lẻ truyền thống, các chợ đầu mối, chợ bán lẻ đang hoạt động, các điểm bán hàng thiết yếu… đang duy trì các phương án về phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu với giá bình ổn để cung ứng cho người dân, nhất là người dân ở những khu vực phong tỏa.
Theo đại diện Ban quản lý Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất), để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, chính quyền địa phương và Ban quản lý chợ đã chủ động siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bố trí chốt kiểm soát các phương tiện vận tải hàng hóa ra vào chợ, đẩy mạnh thực hiện sàng lọc xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 thường xuyên đối với tiểu thương, nhân viên tại chợ, lái xe, người vận chuyển ra vào chợ…
Nếu như trước đây, ngành bán lẻ thường bán hàng trực tiếp, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã mở ra phương thức bán hàng đa kênh, đặc biệt là đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh, thời gian qua, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Bách hóa Xanh đã chủ động các nguồn hàng hóa cung ứng, duy trì hoạt động ổn định, đẩy mạnh tập trung các mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Về giá cả, chuỗi cửa hàng trong hệ thống chủ động triển khai các chương trình bình ổn giá, công tác niêm yết giá được triển khai đầy đủ, hạn chế những sai sót về cập nhật giá. Đồng thời, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, trong đó có kênh zalo theo khu vực bán hàng để giúp người dân thuận tiện mua sắm, đặt hàng online…
Tương tự, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Big C Đồng Nai cho biết, hiện nay siêu thị đảm bảo được nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu dồi dào. Nhân viên siêu thị đã cơ bản được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19, chuẩn bị sẽ tiến hành tiêm mũi 2 trong những ngày tới. Lượng khách đến mua sắm ổn định, đặc biệt lượng khách đặt mua qua các kênh trực tuyến của siêu thị tăng khá mạnh trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày siêu thị nhận khoảng 200 đơn hàng trực tuyến.
Nhiều hộ kinh doanh, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ chủ động thích ứng trước những diễn biến dịch bệnh thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, chuyển đổi mặt hàng cung ứng để phù hợp với tình hình thực tế…
Phan Anh