Một số ngành hàng ở Đồng Nai xuất siêu lớn

Thứ ba - 15/11/2022 10:10
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Đồng Nai hiện có giao thương với trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có một số nhóm hàng có xuất siêu lớn là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, cà phê…

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa).
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến khu công nghiệp Amata (TP.B​​iên Hòa).

Theo UBND tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai xuất siêu gần 4,7 tỷ USD, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Đồng Nai nằm trong Top 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, tỉnh luôn xuất siêu.

*Nhiều năm xuất siêu
 
Đồng Nai đã có gần 9 năm liên tục xuất siêu hàng hóa. Kết quả trên là do từ 15 năm trước, tỉnh đã ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho những ngành sản xuất chính. Hằng năm, số dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 40% dự án mới thu hút được.
 
Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất linh kiện cho các loại xe đạp, mô tô, ô tô trên thế giới. Hơn 2 năm qua, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhưng đầu ra của công ty vẫn đảm bảo vì đã mở rộng được thị trường tiêu thụ. Mới đây, công ty đã hoàn thành và đưa vào khai thác thêm một dây chuyền mới để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dự kiến năm 2023, công ty sẽ mở thêm một nhà máy tại Đồng Nai và tăng công suất gấp 2 lần so với hiện nay”.
 
Do thu hút đầu tư có chọn lọc và ưu tiên các dự án trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nên năm 2014, Đồng Nai đã bắt đầu xuất siêu hơn 500 triệu USD, năm 2015 lên 1,4 tỷ USD, năm 2016 là hơn 2 tỷ USD, năm 2017 gần 2,2 tỷ USD…và 9 tháng năm 2022 gần 4,3 tỷ USD. Dự kiến, năm 2022, xuất siêu của Đồng Nai sẽ gấp 10 lần so với năm 2014.
 
Hiện nay, giày dép là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu lớn nhất tỉnh. Cụ thể, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép là hơn 4 tỷ USD, nhập khẩu nguyên phụ liệu chỉ hơn 600 triệu USD và xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD.
 
Ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam Tập đoàn Phong Thái cho hay: “Tập đoàn có 5 công ty tại Đồng Nai chuyên sản xuất các loại giày xuất khẩu. Những năm gần đây, tập đoàn luôn chú trọng tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để giảm chi phí vận chuyển, chủ động cho sản xuất. Đồng thời, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh”.
 
*Nhóm hàng xuất siêu lớn
 
Trong 10 tháng của năm 2022, ngoài giày dép thì những nhóm hàng Đồng Nai đang xuất siêu tỷ USD là sản phẩm từ gỗ gần 1,5 tỷ USD; dệt may gần 1 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng gần 900 triệu USD; xơ sợi dệt gần 900 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng hơn 760 triệu USD; cà phê gần 450 triệu USD. Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng phụ trách Ban Quản lý ​​các khu công nghiệp Đồng Nai, những dự án FDI thu hút mới những năm gần đây đa số vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chủ lực. Hiện các khu công nghiệp còn hơn 100 dự án FDI đang được triển khai và trong đó có nhiều dự án thuộc công nghiệp hỗ trợ, khi những dự án trên đi vào hoạt động sẽ tăng nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, bớt phải nhập khẩu.
 
Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng nguyên liệu hay bị dán đoạn, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng chuyển dịch các nhà máy sản xuất về Việt Nam. Do đó, nhiều DN sản xuất sản phẩm đầu vào cho những tập đoàn FDI đã đến Việt Nam để tiện cung ứng đầu vào cho đối tác. Việc này giúp cho tỷ lệ nội địa hóa các mặt hàng xuất khẩu tăng lên.
 
Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai Bùi Thế Kích chia sẻ: “Với ngành may mặc có những đơn hàng đã chủ động nguyên liệu trong nước đến 70-90%. Nguồn cung nguyên liệu trong nước cũng ngày càng đa dạng, giá cạnh tranh. Vì thế, các DN đều chú ý tìm nguyên liệu ở thị trường nội địa và chỉ nhập khẩu những mặt hàng trong nước không có nhà cung cấp”.
 
Xu hướng những năm gần đây, các tập đoàn FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều dẫn theo nhiều DN nhỏ cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình. Các DN trên ngoài cung ứng cho các tập đoàn đã mở rộng sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tác giả: Vi Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây