Trong 6 tháng đầu năm, Đồng Nai có 3 mặt hàng xuất khẩu đã vượt ngưỡng tỷ USD là giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng. Các mặt hàng trên giúp cho tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh tăng cao.
Kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021, của 3 nhóm hàng trên là 4,57 tỷ USD, chiếm khoảng 39,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex- Long Bình (TP.Biên Hòa)
*Đã nhận đơn hàng đến cuối năm
6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai hơn 2,35 tỷ USD, tăng 210 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 310 triệu USD so với năm 2019. Tương tự, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu được gần 1,16 tỷ USD, tăng 292 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020, tăng 351 triệu USD so với năm 2019. Sản phẩm gỗ trong hai quý đầu năm nay xuất khẩu gần 1,1 tỷ USD, tăng 439 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020 và 387 triệu USD năm 2019.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại công ty TNHH Chang Shin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công ty vẫn đảm bảo sản xuất, xuất khẩu giày sang các nước. Đơn đặt hàng năm nay nhiều hơn năm trước nên công ty tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Công ty đã nhận được đơn hàng đến đầu năm 2022”.
Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn hàng giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, dệt may, xơ sợi dệt, máy tính, điện tử và linh kiện...được dịch chuyển về Việt Nam khá nhiều. Vì hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia kiểm soát đại dịch Covid-19 tốt hơn nhiều nước khu vực xung quanh. Do đó, phần lớn các nhà máy vẫn sản xuất ổn định, đảm bảo các đơn hàng giao đúng hẹn.
Hiện nay, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc là những nơi tiêu thụ hàng hóa chính của Đồng Nai.
*Chú trọng phòng dịch đảm bảo sản xuất
Hiện nay, nhiều công ty đã ký được đơn hàng đến cuối năm hoặc đầu năm sau, song các DN vẫn lo lắng những rủi ro tiềm ẩn. Bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đang lây lan nhanh ngoài cộng đồng đã xuất hiện ở gần 58 tỉnh, thành trên cả nước và nhiều khu phải phong tỏa để ngăn chặn dịch.
Theo đó, việc di chuyển, tuyển thêm lao động của những công ty muốn mở rộng, khôi phục lại sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nếu không có đủ nguồn lao động, DN sẽ khó đáp ứng được những đơn hàng lớn đã ký kết. Dịch bệnh rình rập, nguy cơ bùng phát ở những công ty có đông lao động rất cao. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng, cao hơn từ 40-80% so với dịp cuối năm 2020. Hàng hóa đưa đi xuất khẩu thiếu container, chi phí vận chuyển tăng 20-30%...
Ông Trần Tấn Phát, Trưởng phòng Hành chính- nhân sự Công ty TNHH thép SeAH Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hiện nay, DN không lo thiếu đơn hàng mà lo dịch bùng phát, lây lan vào khu công nghiệp. Tuy từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nhưng lợi nhuận của các DN bị thu hẹp do tốn chi phí phòng dịch, nguyên liệu đầu vào, công vận chuyển tăng đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Có những đơn hàng ký kết trước khi giá nguyên liệu leo thang nên không đàm phán được với đối tác tăng giá bán sẽ đối mặt với thua lỗ”.
Nhiều DN cho rằng, nếu dịch được khống chế và lắng xuống DN sẽ yên tâm mở rộng sản xuất đáp ứng các đơn hàng của đối tác trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, cố gắng khống chế để không lây lan vào các khu công nghiệp, giúp DN yên tâm sản xuất”.
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập