(CTT-Đồng Nai) Với tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ ở Đồng Nai hiện nay, việc bổ sung, mở rộng ngân hàng tên đường là cần thiết, vừa tránh bị động, vừa đáp ứng nhu cầu đặt tên khá đa dạng và mang tính đặc thù của từng địa phương.

Một góc giao nhau giữa đường Phan Đình Phùng và Hưng Đạo Vương, TP.Biên Hòa
Một góc giao nhau giữa đường Phan Đình Phùng và Hưng Đạo Vương, TP.Biên Hòa
Bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất
Tên đường phố không đơn thuần để thuận tiện trong công tác quản lý và nhận biết địa chỉ giao dịch, mà còn tích hợp nhiều giá trị văn hóa lịch sử truyền thống tiêu biểu của một vùng đất hay dân tộc. Ở Đồng Nai, việc đặt tên đường phố theo tên các danh nhân có công lớn đối với quê hương, đất nước hoặc những sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước luôn được quan tâm hàng đầu. Tiếp đó là những sự kiện lịch sử, nhân vật liên quan đến vùng đất 325 năm hình thành và phát triển. Qua đó, quảng bá, giới thiệu các nét đẹp đặc trưng của văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai.
Phó Giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho hay, sau khi hoàn thiện dự thảo nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại các địa phương trình HĐND tỉnh thông qua, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh mở rộng ngân hàng tên đường, công trình công cộng. Căn cứ theo các quy định để hoàn chỉnh dự thảo quyết định và danh mục tên đường, công trình công cộng để đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
Để có cơ sở thiết lập ngân hàng dữ liệu, Hội đồng tư vấn đặt tên đường đã cung cấp, đề xuất tên các nhân vật lịch sử, tên danh nhân tiêu biểu của địa phương, bảo đảm công bằng khi đánh giá công trạng của các danh nhân. Trong các buổi làm việc với các sở, ban ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã đề nghị các sở, ngành cần lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa; cũng như lấy ý kiến nhân dân ở các khu dân cư có tuyến đường đề nghị đặt tên; bảo đảm tính chặt chẽ, công khai, dân chủ.
Việc xây dựng ngân hàng đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm tiêu chí: có tính hệ thống, trên cơ sở quy định của Nhà nước và có ý nghĩa khoa học, lịch sử và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tuyến đường Nguyễn Ái Quốc giao nhau với đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Biên Hòa) có lắp đặt bảng tóm tắt dưới tên đường
Tuyến đường Nguyễn Ái Quốc giao nhau với đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Biên Hòa) có lắp đặt bảng tóm tắt dưới tên đường
Lấy ý kiến từ cộng đồng, nhà nghiên cứu
Nhà báo Đỗ Trung Tiến, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho biết, sau khi nghe thông tin Đồng Nai có chủ trương xây dựng danh mục tên đường và công trình công cộng để đặt, đổi tên đường trên địa bàn tỉnh, ông đã có đề xuất bổ sung tên đường mới vào danh mục. Trong đó, cần bổ sung tên đường Hà Nam (do tỉnh Đồng Nai kết nghĩa với tỉnh Hà Nam Ninh, nay là các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định) từ những năm 1960. Ở Hà Nam hiện có 1 ngôi trường và 2 con đường mang tên Biên Hòa.
“Việc bổ sung tên đường Hà Nam trong danh mục tên đường và đặt tên mới Hà Nam cho tuyến đường ở TP.Biên Hòa không chỉ ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai mà còn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, giáo dục truyền thống cho mọi người, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân” - nhà báo Đỗ Trung Tiến bộc bạch.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Đồng Nai cho biết, việc đặt tên đường là truyền thống vốn có của dân tộc. Đồng Nai xây dựng danh mục tên đường là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc đặt tên đường không phải đặt mãi mãi mà nó có sự biến đổi theo thời gian, qua lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, khi lắp đặt tên đường mới, cần thiết phải gắn bảng chú thích, tóm tắt nội dung, tiểu sử…