Tại các buổi họp với Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và các địa phương trong những ngày gần đây, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã có những chỉ đạo rất sát về công tác an sinh xã hội, được dư luận quan tâm, đồng tình.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất cụ thể, sát thực tế, hợp lòng dân.
* Chăm lo cho người dân
Các vấn đề liên quan đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm với nhiều chỉ đạo sát với tình hình thực tế như: nâng cao trách nhiệm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung các nguồn lực về cơ sở, triển khai thêm đường dây nóng hỗ trợ, từ cấp xã đến huyện kết nối thêm cả facebook để lấy thông tin, hỗ trợ kịp thời người dân khó khăn không để dân đói trong thời gian giãn cách; các địa phương chăm lo cho nhân dân, không để người dân nào thiếu ăn và ngành y tế không để người bệnh thiếu oxy... nhận được nhất trí, đánh giá cao của người dân.
Ông Võ Thành Phong (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho biết, qua thông tin từ báo chí, ông rất đồng tình với các chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, lãnh đạo địa phương, tập trung nguồn lực về cơ sở hiện nay là cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có gần dân, sát dân thì mới nắm bắt được tình hình cuộc sống của người dân để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, đúng đối tượng.
Tương tự ông Phạm Ngọc Tuấn (ngụ xã Trà Cổ, H.Tân Phú) cho rằng, BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chỉ đạo rất cụ thể, sát sao về các phương án liên quan đến an sinh xã hội. Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương vận động được bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo thì phải chuyển ngay về cho các huyện, thành phố và phân bổ ngay về cho các xã, phường. Mỗi xã, phường phải có một kho lương thực và có một quỹ để sẵn sàng giúp cho dân, để xuất ra ngay cho những người dân nào cần…
“Lãnh đạo tỉnh còn chỉ đạo tăng cường thêm đường dây nóng, có thể kết nối thêm cả Facebook để lấy thông tin, hỗ trợ kịp thời người dân khó khăn không để dân đói trong thời gian giãn cách… Ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, nhiều ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến xã đã nhanh chóng công khai đường dây nóng hỗ trợ an sinh xã hội và y tế để hỗ trợ, giúp dân về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, y tế. Đây là một cách làm hay giúp người dân không lo thiếu lượng thực, thực phẩm, đảm bảo về chăm sóc y tế trong thời điểm giãn cách xã hội, yên tâm ở nhà chống dịch” - ông Tuấn cho biết.
* Nghiên cứu thành lập trung tâm an sinh xã hội
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mới nhiễm SARS-CoV-2 vẫn gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các đường dây nóng về an sinh xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã, Đồng Nai cần nghiên cứu thành lập trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu phục vụ người khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (trung tâm an sinh) như ở TP.HCM.
Ông Bùi Ngọc Luân (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, ông thấy ý nghĩa mô hình trung tâm an sinh ở TP.HCM rất thiết thực. Trung tâm này có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phối hợp rà soát nhu cầu, tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ; kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng theo nguyên tắc “đúng đối tượng, đúng nhu cầu”.
“Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành đông dân nhất cả nước, trong đó có nhiều công nhân, lao động nhập cư phải sinh sống ở các khu nhà trọ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đời sống của nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Nếu Đồng Nai cũng có một trung tâm như thế sẽ rất tiện lợi trong kết nối những tấm lòng thiện nguyện đến với những trường hợp khó khăn, thực sự cần hỗ trợ về lương thực, thực phẩm” - ông Luân chia sẻ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nếu phải thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài thì số trường hợp khó khăn cần được hỗ trợ sẽ tăng. Vì vậy, cần có một đơn vị để huy động tổng lực, điều phối cùng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến an sinh xã hội. Khi hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm được tập trung về một đầu mối thì việc điều phối đến nơi có nhu cầu sẽ nhanh hơn.
Song song đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị hệ thống giúp thống kê, dự báo khu vực cần hỗ trợ chính xác, kịp thời hơn. Qua đó giúp kết nối người có nhu cầu được hỗ trợ với người có nhu cầu tài trợ dễ dàng hơn, có thể truy xuất nhanh chóng về người đã được nhận hỗ trợ, tránh trường hợp người nhận nhiều, người không có…
Bên cạnh hỗ trợ kết nối về lương thực, thực phẩm, nhiều ý kiến cho rằng, Trung tâm an sinh này cũng cần có kênh kết nối những thắc mắc của người dân liên quan đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước với các ngành chức năng để có phản hồi nhanh chóng, kịp thời cho người dân.
Nhật Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập