Lập nghiệp với hoa lan, cây kiểng

Thứ tư - 01/03/2023 15:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Thay vì chọn con đường vào đại học anh Phạm Minh Trí (KP.1, P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) đã quyết định chọn học nghề tại Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam (TP.HCM) để thực hiện đam mê trồng trọt của mình.

Anh Phạm Minh Trí chia sẻ về cách trồng và chăm sóc hoa lan
Anh Phạm Minh Trí chia sẻ về cách trồng và chăm sóc hoa lan

Anh Trí cho biết, từ khi còn là học sinh THPT, anh đã mày mò tìm hiểu về công việc trồng trọt, tham gia các hội nhóm trồng rau thủy canh trên mạng xã hội. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh không lựa chọn học đại học mà nộp hồ sơ học nghề tại Viện Sinh học nhiệt đới.

Trong 1 năm học nghề tại Viện Sinh học nhiệt đới, anh Trí đã tận dụng thời gian để tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Anh Trí cho hay, mục đích của anh là học nghề nên các thầy cô ở Viện sinh học nhiệt đới luôn tạo điều kiện để học viên vừa học lý thuyết, vừa thực hành. Bản thân anh ngoài thời gian học, thực hành trên Viện Sinh học nhiệt đới còn tranh thủ tìm tài tài liệu đọc, nghiên cứu thêm.

Sau khi hoàn thành chương trình học, anh Trí xin làm cộng tác viên kỹ thuật tại Viện Sinh học nhiệt đới để có cơ hội theo học các thầy cô giáo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Vừa làm việc ở Viện Sinh học nhiệt đới, anh tận dụng quỹ đất vốn có của gia đình thử nghiệm trồng và chăm sóc một số loại cây hoa kiểng, hoa phong lan… theo phương pháp hữu cơ. Mặc dù trồng thử nghiệm nhưng việc này đã cho anh được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình khởi nghiệp sau này.

Năm 2020, anh Trí quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng hoa lan, trồng và nhận chăm sóc hoa mai cho các gia đình sau Tết. Anh Trí cho biết, với diện tích đất 200m2 của gia đình, cộng với nguồn vốn mà cha mẹ hỗ trợ, anh đã sử dụng 80m2 để làm giàn hoa lan với 3 tầng (tầng thấp dùng ươm giống, tầng thứ 2 dành cho các loại hoa lan ưa độ ẩm và tầng thứ 3 dành cho các loại hoa lan ưa ánh nắng). Anh Trí còn đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động qua ứng dụng trên điện thoại tạo thuận lợi cho việc chăm sóc hoa lan.

Tuy nhiên, do hoa lan của anh được trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ nên tốn khá nhiều công sức. Thời gian đầu anh dành thời gian để đi tham quan ở các nhà vườn đang trồng và chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ để học hỏi kinh nghiệm; tham gia hầu hết các hội nhóm liên quan đến hoa lan trên Facebook để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn lan lâu năm trên cả nước…

Để trồng hoa lan theo phương pháp hữu cơ, anh Trí đã nghiên cứu tự tạo ra các loại phân hữu cơ như: nước tiểu pha loãng, kết hợp giữa nước tiểu và bánh dầu, ngâm các loại phân động vật, xác tôm, cá (nước ngọt), các bộ phận bỏ đi của gia súc, gia cầm, nuôi thêm cá để lấy nước tưới cho lan… Để phòng ngừa và điều trị các loại nấm bệnh thường xảy ra trên hoa lan, anh sử dụng các chế phẩm sinh học; đồng thời từng chậu lan được anh thường xuyên nhổ cỏ, cắt tỉa lá vàng… Với cách làm này, vườn lan của anh chỉ sau 9 tháng gầy dựng đã cho thu hoạch và bán ra thị trường phục vụ nhu cầu của những người yêu thích hoa lan trong và ngoài tỉnh.

Ngoài trồng hoa lan, anh dành 120m2 đất còn lại để trồng hoa mai, nhận và chăm sóc mai cho các gia đình sau tết Nguyên đán. Với kiến thức, kỹ năng trồng và chăm sóc hoa lan, cây kiểng, anh Trí còn nhận tư vấn kỹ thuật, chăm sóc cho một số trang trại trồng hoa lan, vườn cây ăn trái trong và ngoài tỉnh. Mỗi dịp tết Nguyên đán, anh kết nối với các nhà vườn trồng lan ở Đà Lạt đưa hoa lan về tiêu thụ tại TP.Biên Hòa. Việc này vừa mang lại nguồn thu nhập cho bản thân, vừa góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và việc làm thời vụ cho khoảng 6 lao động tại địa phương.

Tác giả: Khánh Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây