Thời trước tại các phường Tân Biên, Hố Nai (TP.Biên Hòa) từng có hàng trăm hộ làm miến, bún, hủ tiếu, mì khô… Trong đó, sản phẩm chủ đạo vẫn là miến Bắc làm từ củ dong. Giữa lòng đô thị của tỉnh công nghiệp này từng hình thành làng nghề làm miến thủ công truyền thống lớn nhất ở miền Nam.

Bà Nguyễn Thị Xuân, năm nay 80 tuổi thuộc lớp thâm niên gắn bó với nghề làm miến Bắc ở P.Tân Biên, TP.Biên Hòa
Bà Nguyễn Thị Xuân, năm nay 80 tuổi thuộc lớp thâm niên gắn bó với nghề làm miến Bắc ở P.Tân Biên, TP.Biên Hòa
Cuốn theo nhịp sống công nghiệp, các hộ làm miến ở TP.Biên Hòa ngày càng ít như khu vực từng tập trung đông nhất là ở P.Tân Biên nay chỉ còn hơn chục hộ làm nghề. Tuy số hộ sản xuất giảm mạnh nhưng các cơ sở còn trụ lại với nghề đều đang mở rộng về quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.
Nghề truyền thống ở thành phố triệu dân
Từ xưa, các phường Tân Biên, Hố Nai được người dân gọi chung là Kẻ Sặt là những vùng tập trung đông dân cư ở thành phố lớn Biên Hòa với hơn triệu dân. Đây cũng là khu vực có hoạt động buôn bán diễn ra khá sôi động. Điều khá thú vị là trong lòng vùng đô thị công nghiệp sôi động này lại lặng lẽ hình thành làng nghề thủ công truyền thống làm miến Bắc. Nghề này đã tồn tại ở Kẻ Sặt hơn nửa thế kỷ, được ông bà truyền cho con cái rồi đến thế hệ cháu chắt.
Bà Nguyễn Thị Xuân, năm nay 80 tuổi thuộc lớp thâm niên gắn bó với nghề làm miến Bắc ở P.Tân Biên. Vợ chồng bà là người đặt nền móng đầu tiên cho cơ sở sản xuất miến dong của gia đình, rồi 7 người con đều theo nghề của bố mẹ và đến nay các cháu của bà cũng đều tham gia phụ việc và khá rành nghề làm miến của gia đình.
Theo bà Xuân, nghề làm miến dong theo cách thủ công đòi hỏi sự công phu với nhiều công đoạn sản xuất. Trong đó, khâu pha bột phải do người thợ lành nghề thực hiện vì khâu này mang tính quyết định chất lượng của sản phẩm. Quá trình chế biến là bột được pha rồi tráng thành từng bản lớn hình chữ nhật, hấp chín rồi đem đi phơi. Sau đó lấy bánh khỏi phên phơi, xếp bánh và bọc kín rồi ủ trong nước cho bánh mềm mới đưa vào máy cắt. Kỹ thuật ủ phải đảm bảo cho bánh không quá mềm sẽ khó cắt tạo sợi, quá khô cắt sẽ bị gãy vụn. Bánh sau khi được cắt sợi sẽ được bó thành từng bó rồi đem phơi nắng trên các dàn phơi bằng tre, nứa cho khô mới thu vào kho. Khâu bó miến thành từng bó gọn và đóng gói cũng tốn không ít nhân công. Hiện nay, một số công đoạn làm miến như: tráng bánh, cắt sợi… được cải tiến một phần nhờ máy móc hỗ trợ nhưng hầu hết các khâu vẫn làm thủ công.
Ông Nguyễn Văn Quang, con trai bà Xuân hiện là chủ cơ sở miến Quang Nguyễn, P.Tân Biên chia sẻ: “Từ thời còn là học sinh, tôi đã phụ bố mẹ làm miến Bắc rồi từ từ rành nghề nên lớn lên theo nghề của bố mẹ”. Hiện cơ sở của ông Quang có khoảng 15 người làm, 5 người là anh em, con cháu trong gia đình còn lại thuê thợ bên ngoài. Đây là nghề vất vả vì mọi khâu hầu như vẫn sản xuất thủ công và người làm chủ thường nhọc nhằn hơn nhiều so với thợ làm thuê. Hơn 1 giờ sáng, cả chủ và thợ đều bắt tay vào các khâu chuẩn bị để 2-3 giờ sáng là đốt lò tráng bánh. Công việc cứ thế nối tiếp đến xế chiều lò sản xuất mới kết thúc ca làm. Sau khi miến khô là đến khâu cuốn miến, đóng gói cũng cần đội ngũ lao động thủ công không nhỏ. Mùa mưa làm nghề thường vất vả hơn nhiều vì phơi miến hoàn toàn phụ thuộc vào nắng trời.

Miến được phơi khô bằng nắng thiên nhiên
Miến được phơi khô bằng nắng thiên nhiên
Thu hẹp nhưng vẫn có cơ hội phát triển
Theo chủ một số cơ sở làm miến Bắc lâu năm ở P.Tân Biên, thời thịnh của nghề này vào nhiều năm trước, hầu như người dân ở khu phố 2, khu phố 3 của P.Tân Biên đều sống nhờ nghề này, có hộ tự mở lò, có hộ nhận làm gia công cuộn miến cho các cơ sở chế biến quy mô lớn. Nhịp sống đô thị, dân cư ngày càng đông đúc nên hàng loạt những hộ sản xuất miến nhỏ lẻ bỏ nghề vì không có đất trống để phơi miến. Hiện cả phường chỉ còn hơn 10 cơ sở sản xuất miến tập trung ở khu phố 2, khu phố 3 hầu như không còn lò miến mà chủ yếu các hộ nhận làm gia công cuốn miến.
Tuy nhiên, nguồn cung miến tại địa phương vẫn khá dồi dào vì các cơ sở sản xuất còn trụ lại với nghề đa số là những lò đã hoạt động lâu năm, quy mô sản xuất được mở rộng hơn nhiều so với trước. Ông Nguyễn Văn Quang so sánh, trước cơ sở chỉ làm đôi ba trăm kg bột thì nay tăng lên làm cả tấn bột/ngày. Cơ sở cũng đa dạng hơn các chủng loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nên ngoài sản phẩm miến dong truyền thống, cơ sở làm thêm các mặt hàng hủ tiếu, miến từ nguyên liệu bột mì… “Lò làm miến thủ công của bố mẹ tôi đã nuôi 7 anh em trong gia đình nên người. Giờ các anh em trong nhà vẫn có thu nhập tốt từ nghề làm miến thủ công truyền thống này nên không ai nghĩ đến việc bỏ nghề”.
Ông Phạm Công Khoát, đại diện cơ sở bún miến Kiều Oanh tại P.Tân Biên cho hay, cơ sở vẫn giữ được hơn 3 ngàn m2 đất làm xưởng sản xuất và sân phơi miến. Hiện quy mô sản xuất của cơ sở được mở rộng gấp 3 lần so với vài năm trước đó. Ngoài tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động còn có hàng chục hộ dân ở địa phương làm gia công cuốn miến cho cơ sở. Dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là về thị trường tiêu thụ nhưng cơ sở vẫn phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương.
Sản phẩm miến Bắc của vùng Kẻ Sặt cung cấp đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó, thị trường chính là TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Đây còn là nguồn cung nguyên liệu cho một số công ty sản xuất miến gói, hủ tiếu gói…Ngoài ra, sản phẩm còn được bán sang các nước Lào, Thái Lan, Campuchia.