Lan tỏa nếp sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

Thứ năm - 23/08/2018 22:19
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là một trong những nội dung quan trọng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH). Thời gian qua, việc xây dựng văn hóa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Số lượng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký phấn đấu và đạt chuẩn văn hóa các cấp ngày một tăng lên.​

Hiệu quả của phong trào này tạo ra sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thi đua lao động sản xuất, xây dựng tác phong, lề lối làm việc tích cực, nếp sống văn minh nơi công sở, môi trường văn hóa lành mạnh. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức và người lao động (CCVCLĐ).

Những kết quả nền tảng

Với phương châm hướng về cơ sở, không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động Công đoàn, các cấp Công đoàn toàn tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình gắn với triển khai sâu rộng các phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa, đảm bảo việc làm, đời sống và các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở VH-TTDL tổ chức nhiều hoạt chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân như ngày hội công nhân, các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao phục vụ công nhân trên địa bàn tỉnh hay các hoạt động xã hội từ thiện, được cán bộ, CCVCLĐ hưởng ứng nhiệt tình. Qua phong trào đã xuất hiện các điển hình tiêu biểu cùng các mô hình xây dựng đời sống văn hóa hiệu quả tại các doanh nghiệp như: Taekwang Vina; Dona Pacific; Pousung; Changshin…

Tại các sở, ban, ngành, địa phương, cụm, khối thi đua trong tỉnh, hằng năm đã tổ chức phát động sâu rộng các đợt thi đua với nội dung cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” trong dạy và học của ngành Giáo dục; “thực hiện 12 điều y đức” của ngành Y tế; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CCVCLĐ. Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được chú trọng thực hiện đồng bộ trong mỗi cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, mỗi CCVCLĐ đều có ý thức vận động gia đình, người thân thực hiện nếp sống văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.




Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao góp phần xây dựng văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: Qua triển khai phong trào, toàn tỉnh có 2.630/2.630 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa, đạt 100%. Trong đó có 1.688/1.688 cơ quan, đơn vị (khối hành hành chính nhà nước) đăng ký. “Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 1.656/1659 cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đạt chuẩn văn hóa (đạt 99,81%); 611/830 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 73,61%) thì năm 2017 số cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đã tăng lên 99,88%, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 77%. Đây không chỉ là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo các cấp với các đơn vị liên quan mà còn là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền mà trên hết, nền tảng chính là sự tham gia tích cực, chủ động của đông đảo CCVCLĐ”, Giám đốc Sở VH-TTDL nói.

Hướng phong trào đi vào chiều sâu

Không thể phủ nhận, kết quả thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã tạo nên những bước phát triển trong đời sống văn hóa CCVCLĐ, nhất là ở các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay của cộng đồng và doanh nghiệp. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, động viên, cổ vũ lực lượng CCVCLĐ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ vậy, nhiều giá trị, chuẩn mực văn hóa được thâm nhập vào đời sống; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được củng cố; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chú trọng thực hiện nội dung phong trào, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nêu cao vai trò trách nhiệm xã hội, dẫn đến chưa chú trọng xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp, cơ sở vật chất phục vụ cuộc sống thiết yếu cho người lao động còn nghèo nàn, đơn điệu. Trên thực tế, với cường độ lao động cao, công nhân lao động tại các khu công nghiệp không có đủ thời gian và thể lực để tham gia, hưởng thụ các hoạt động văn hóa, dẫn đến lối sống thụ động, sống khép kín, không quan tâm đến đời sống xã hội. Đây cũng là nguyên nhân để các tệ nạn xã hội xâm nhập, tạo kẽ hở để đối tượng xấu lợi dụng kích động, lôi kéo công nhân tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự, thiệt hại về kinh tế.

Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược cho sự phát triển lâu dài. Để phong trào đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất, các ngành, các cấp, đặc biệt là các tổ chức Công đoàn cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CCVCLĐ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thực hiện tốt các hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Mặt khác chú trọng khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự quản, sáng tạo, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng của người lao động.

Phát huy vai trò của Công đoàn với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho biết, thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục phổ biến quy định, quy trình, thủ tục xét công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, hướng dẫn cấp Công đoàn và CCVCLĐ đăng ký thi đua thực hiện; thường xuyên tổ chức tập huấn các nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… Qua đó,góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ CCVCLĐ tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

TS. Nguyễn Thị Mai Lan (Bộ VH-TTDL): “Phong trào TDĐKXDĐSVH, trọng tâm là phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, xây dựng đời sống văn hóa cho CCVCLĐ. Dễ dàng nhận thấy, ở nơi nào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện với người lao động thì mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp ổn định, bền vững. Doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các phong trào văn hóa thể thao, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân và người lao động thì người lao động toàn tâm toàn ý phục vụ doanh nghiệp.

Bởi vậy, giải quyết vấn đề về kinh tế phải được tiến hành song song với việc đáp ứng các nhu cầu văn hóa, thực hiện chính sách an sinh xã hội là hoạt động thiết thực giúp công nhân và người lao động vơi bớt khó khăn, vất vả, từng bước ổn định, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là tìm được sự đồng cảm giữa doanh nghiệp và người lao động để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai, là tổ ấm của chính mình. Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó CCVCLĐ và cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành thiết thực và hiệu quả”.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây