(CTT-Đồng Nai) Methadone được coi là phương pháp điều trị thay thế hiệu quả đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện (gọi chung là nghiện). Hơn 10 năm triển khai tại Đồng Nai, việc điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone đã giúp nhiều người nghiện cải thiện sức khỏe, cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Ông V. uống Methadone tại CDC Đồng Nai đều đặn hàng ngày
Ông V. uống Methadone tại CDC Đồng Nai đều đặn hàng ngày
Cứu cánh của người nghiện
Là một trong những bệnh nhân lớn tuổi tham gia điều trị Methadone, ông P.Q.V (69 tuổi, P.Thanh Bình, TP. Biên Hoà) cho biết, ông sử dụng ma túy từ năm 17 tuổi vì đua đòi theo đám bạn. Ông đã hơn 10 lần đi cai nghiện từ Đồng Nai cho đến TP. HCM nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại tái nghiện. Vì ma tuý mà bao nhiêu tài sản trong gia đình ông lần lượt đội nón ra đi.
Năm 2014, sau khi biết đến chương trình điều trị Methadone, ông V. đã đăng ký tham gia từ đó đến nay. Theo ông V., Methadone mang lại rất nhiều lợi ích cho ông và gia đình. Về kinh tế, nếu như trước đây mỗi ngày, ông V. phải mất từ 200 - 500 ngàn đồng để mua ma tuý thì nay mỗi tháng ông chỉ mất hơn 200 ngàn đồng để điều trị bằng Methadone.
Nhờ thế mà ông V. đã kiếm được việc làm, hiện ông V. đang làm bảo vệ cho một công ty với thu nhập khoảng 7 triệu đồng, số tiền này ngoài chi phí ăn uống hàng ngày, ông còn để dành được một khoản để đề phòng tuổi già.
Còn với anh V.T.G. (36 tuổi, P. Bửu Hoà, TP. Biên Hoà), nhờ điều trị Methadone ổn định mà trong một lần đi làm cùng mẹ, anh đã gặp được chị N. Sau một thời gian tìm hiểu, anh G. và chị N. nên duyên vợ chồng.
Tình yêu chị N. đã giúp anh G. từ bỏ ma tuý và điều trị ổn định bằng Methadone cho đến nay. Cả hai vợ chồng anh G. chí thú làm ăn, mở được một tiệm cơm nhỏ. Hàng ngày, anh G. đến uống Methadone tại CDC Đồng Nai, sau đó anh về phụ vợ bán cơm, nước mía và chăm con. Dù cuộc sống chưa hẳn khá giả nhưng với anh G. Methadone đã giúp anh thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Anh G. cho biết, uống Methadone vừa rẻ lại vừa an toàn, khi đã sử dụng Methadone thì không còn thèm ma tuý nữa, không còn những cơn vật vã vì ma tuý. Ngoài phụ vợ bán hàng, anh G. còn tham gia nhóm Xuân Hợp để tìm kiếm, kết nối những bạn không may vướng vào ma tuý đến với các dịch vụ của chương trình phòng chống HIV/AIDS tại địa phương, kết nối với chương trình điều trị Methadone.

Anh G. đã bỏ được ma túy, chí thú làm ăn, cùng vợ nuôi và chăm sóc con cái
Anh G. đã bỏ được ma túy, chí thú làm ăn, cùng vợ nuôi và chăm sóc con cái
Gần một nửa số bệnh nhân điều trị tìm được việc làm
Đồng Nai hiện có 9 cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone và đang tiếp nhận điều trị cho 1.293 bệnh nhân.
Theo BS CKI Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai, qua số liệu báo cáo của các cơ sở điều trị và đánh giá sơ bộ cho thấy số bệnh nhân sau khi tham gia điều trị Methadone đã uống liều duy trì đạt 1.121 bệnh nhân, chiếm 87,5% tổng số bệnh nhân đang điều trị.
Kết quả khảo sát cho thấy có 47% bệnh nhân sau khi điều trị Methadone đã tìm được việc làm và có thu nhập ổn định, nhất là sau khi các cơ sở điều trị tạo điều kiện cho người bệnh được uống thuốc ngoài giờ hành chính để đảm bảo bệnh nhân vẫn được uống thuốc hàng ngày và đảm bảo công việc cá nhân, nhiều người cũng đã lập gia đình và có con, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
BS CKII Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm Y tế H Long Thành cho biết, cơ sở hiện đang tiếp nhận và điều trị cho 204 bệnh nhân, trong đó hơn một nửa là bệnh nhân của địa phương. Với những bệnh nhân điều trị Methadone mới và còn tiêm chích, Trung tâm tư vấn tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP nhằm giảm nguy cơ bị lây nhiễm HIV.
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện tư vấn và thu dung điều trị Viêm gan siêu vi C cho những đối tượng điều trị Methadone bị nhiễm Viêm gan siêu vi C. Áp dụng tốt phần mềm quản lý điều trị Methadone giúp theo dõi chặt chẽ quy trình uống thuốc tạo thuận lợi cho bệnh nhân.
Chẳng hạn, khi bệnh nhân có công việc tại địa bàn khác và không thể đến cơ sở, Trung tâm sẽ chuyển để bệnh nhân có thể uống thuốc tại nơi mà bệnh nhân đang có mặt. Đến nay, đã có 8 bệnh nhân tự nguyện xin ra khỏi chương trình và không còn sử dụng ma túy cũng như Methadone. Ngoài ra, nhiều người đã có việc làm, thu nhập, không có bệnh nhân nào lợi dụng việc điều trị để buôn bán ma tuý, làm mất an ninh tại cơ sở điều trị.