Kỷ niệm với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An

Thứ ba - 18/09/2018 22:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ông Đại tá ấy là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (Hai Cà), người đã từng 7 lần vinh dự gặp Bác Hồ. Ông là người tổ chức đánh Tháp canh cầu Bà Kiên (Bình Dương) năm 1948, phá vỡ chiến thuật Tháp canh của tướng De Latour, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở miền Nam Đông Dương, mở ra cách đánh đặc biệt của bộ đội đặc công. Cho nên cũng có người gọi ông là “ông tổ” của binh chủng đặc công.​

Ông đại tá làm “chủ tế”

Sau ngày giải phóng vài năm, ông giã từ quân đội trở về Cù lao Rùa thuộc xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với quân hàm Đại tá. Ông cùng vợ con dựng ngôi nhà bằng gỗ trên nền cũ của nhà từ đường, nơi mà năm 1946, ông đã xin phép mẹ và thắp nhang quỳ lạy xin gia tiên cho ông đốt nhà để đi kháng chiến.

Về quê được ít lâu, làng Nhựt Thạnh tổ chức cúng lễ kỳ yên, để nhân dân cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Các bậc kỳ lão sau khi bàn bạc với nhau đã đến gặp ông: “Lệ kỳ yên này, dân làng đề nghị chú đứng làm chánh tế, còn chúng tôi làm bồi tế”. Ông từ chối cái vinh dự này, bởi so về tuổi tác ông còn kém xa các vị đầu râu tóc bạc khác trong làng, vả lại ông cũng không am tường nghi lễ. Nhưng các bậc kỳ lão nhất định ký thác cho ông làm cái chuyện đầy vinh dự này, ông đành nhận lời với điều kiện phải đặt ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất trong đình.

Đứng giữa đình làng, trong tiếng trống chầu, tiếng nhạc lễ, ông lâm râm niệm hương khấn vái Thành Hoàng bổn cảnh phù hộ cho dân làng Nhựt Thạnh, Cù lao Rùa làm ăn phát đạt, con cái học hành tấn tới, phát lộ nhân tài để phụng sự đất nước. Rồi ông lạy sáu lạy, dâng ba tuần rượu, một tuần trà lên các bậc “tiền hiền mở cõi, hậu hiền khai tâm”.

“Tôi lạy tiền nhân…”

Sự kiện ông đại tá quân đội quỳ lạy trước đình làng đến tai chi bộ. Trong kỳ họp liền sau đó, một đồng chí đồng niên của ông phê phán gay gắt, nào là hữu khuynh, duy tâm chủ nghĩa, theo đuôi quần chúng, chưa cắt đuôi phong kiến, làm hại uy tín của Đảng… Trước những lời quy chụp nặng nề, ông cười hiền hậu nói: “Tôi chỉ lạy các bậc tiền hiền đi mở cõi, xây dựng nên đồng đất Cù lao Rùa mình, chứ có lạy thằng đế quốc nào đâu mà anh lo”. Chuyện ông quỳ lạy giữa đình làng trở thành cuộc đấu tranh trong chi bộ, cho đến khi Huyện ủy xuống làm việc thì sự kiện “sáu cái lạy của ông đại tá” mới được yên.


Dưới tượng đài Chiến sĩ đặc công, ông Hai Cà kể chuyện truyền thống.

Từ đó, dân Thạnh Hội phân ra hai luồng nhận xét, bàn tán về ông. Các cô bác nông dân trong làng nói ông Hai bình dân, làm đại tá mà đồng điệu như dân chân đất, còn mấy ông có học thì nhận xét sáu cái lạy của ông Hai ở đình làng là sáu cái lạy nhân dân. Không biết những lời nhận xét ấy của dân làng có đúng hay không nhưng từ đó, hễ trong làng có chuyện tranh chấp nhau một đường mương nước, một lối đi, hay người này đi nhậu về đánh vợ hoặc họ tộc kia tranh nhau phần đất hương hỏa, mấy ông ban ấp đều nhờ ông Hai đến giải quyết. Chỗ nào, việc gì ông cũng đưa cái tình, cái nghĩa, cái lý ra khuyên giải và ai cũng nghe theo ông nên xóm giềng êm ấm như lời cầu mong của ông đối với thành hoàng bổn cảnh hôm nào.

Xin được sống nơi đồng đội từng hi sinh

Thấy ông và bà Nguyễn Thị Niếu, người bạn đời, người đồng chí cũng là lính của ông, một quân nhân nghỉ hưu ngày càng già yếu, nên Tỉnh ủy Đồng Nai, nơi ông từng làm Tỉnh đội trưởng Biên Hòa thời chiến tranh đề nghị ông nên về Biên Hòa ở cho gần bệnh viện để dễ bề chăm sóc người bạn đời. Lần lựa mãi ông mới chịu về Biên Hòa với điều kiện cấp cho ông một căn nhà trước cổng Quân đoàn 3 của Việt Nam Cộng hòa trước đây. Căn nhà có một trệt, một lầu nhưng tầng trên chỉ còn trơ mấy bức tường đầy vết đạn. Ông xin căn nhà và đề nghị giữ nguyên dấu tích chiến tranh ở bên trên để làm kỷ niệm, vì trong trận Mậu Thân 1968, hàng chục đồng đội đã hy sinh tại căn nhà này. Mặc dù căn nhà ấy đã có quyết định cấp cho một chủ tịch phường nhưng Thành ủy Biên Hòa hứa sẽ đổi căn nhà khác để đáp ứng nguyện vọng của ông. Nghe vậy, ông nói: “Thôi, sợ người ta nói tôi tranh nhà với đồng chí mình”.

Rồi ông xin một căn nhà tình nghĩa xây ở ngay cái lô cốt trước cổng Sư đoàn 3 Không quân của Việt Nam Cộng hòa trước đây. Những người từng là lính của ông biết ông muốn ở đây để sống với một thời kỷ niệm. Bởi nơi này, ông từng buộc Hai Cao, con trai ông, phải bò trở vào sân bay Biên Hòa trinh sát thêm lần thứ hai để nắm rõ tình hình địch nên anh phải để lại một phần thân thể trong sân bay này, hàng trăm đồng chí của ông đã ngã xuống nhưng chưa biết thi thể nằm ở nơi nào.

Được ở trong căn nhà ấm áp tình nghĩa của đồng đội, nằm sát cái lô cốt oan nghiệt năm xưa, hằng ngày ông vẫn tưới cây, tỉa cây kiểng, quét dọn xung quanh Tượng đài chiến thắng Sân bay Biên Hòa, ông rất vui. Trong nhà ông, ngoài bàn thờ gia tiên, còn có một bàn thờ liệt sĩ nên mỗi buổi chiều ông thường thắp nhang cúng bái, thì thầm khấn vái như tâm tình với những người đồng đội mà ông thường gặp trong những giấc mơ.

Giữa lòng quê hương

Nhìn ông làm việc cần mẫn như một công nhân thực thụ của công ty cây xanh, nhiều người không biết, rất ngạc nhiên khi thấy các ông Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Triết, Phan Văn Khải, Võ Nguyên Giáp… và các vị tướng, vị tá thỉnh thoảng ghé thăm ông già gìn giữ tượng đài này.

Người ta lại càng không biết người nông dân mặc áo lính, đã từng đi bộ ra Việt Bắc gặp Bác Hồ đang suy nghĩ về ngày đi xa của mình. Ông đem nỗi niềm thầm kín của mình bày tỏ với các vị bô lão của làng Thạnh Hội, là lúc nhắm mắt xuôi tay được về với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Không biết có phải vì nhớ sáu cái lạy của ông đại tá Việt cộng năm xưa hay không, mà dân làng Nhựt Thạnh làm bản thỉnh nguyện với hàng trăm chữ ký xin thỉnh ông là người đầu tiên về an nghỉ trước đình làng khi ông trăm tuổi.

Thế là một ngôi mộ bằng mấy thanh đá ong đơn sơ được ghép lại chờ ngày dân làng đón ông về an nghỉ vĩnh hằng trên mảnh đất đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến năm 2008, khi vĩnh biệt cõi đời, ông đã được toại nguyện khi về an nghỉ vĩnh hằng ở đất linh quy và đến năm 2018, nhân kỷ niệm 70 năm ngày ông đánh trận cầu Bà Kiên, mười năm ngày ông đi xa, nhân dịp trùng tu ngôi Nhựt Thạnh cổ miếu vừa tròn 270 năm tuổi, dân làng Thạnh Hội viết đơn đề nghị xin được an vị tượng đồng của người anh hùng trong chính điện để mọi người đến bái vọng người con ưu tú của quê hương.

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây