KỶ NIỆM 76 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9

Thứ tư - 01/09/2021 23:54
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Niềm tự hào của nhân dân Việt Nam

Cách đây hơn 7 thập kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng lên đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

2.1 1-9-2021-tan Chủ tịch Hồ Chí Minh.jpg?t=1752814360
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh: Internet)

Từ thắng lợi này, ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phá tan 2 xiềng xích nô lệ

ThS Bùi Thị Mỹ Hạnh, giảng viên chính trị, Khoa cơ bản - kỹ thuật cơ sở Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai cho rằng giữa thế kỷ XIX, Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền, song chế độ phong kiến khi ấy đã lâm vào khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng. Bộ máy chính quyền triều Nguyễn mang nặng tính chất quan liêu, độc đoán. Mọi quyền hành đều tập trung trong tay nhà vua. Còn quan lại trong triều và ở các địa phương hầu hết là bọn hủ bại, bảo thủ, cầu an, tham lam, cuồng bạo. Tổ chức xã hội ở thôn trở thành công cụ của bọn cường hào địa chủ nông thôn. Nền kinh tế tư hữu của nông dân bị xâm phạm nghiêm trọng. Ruộng đất phần lớn tập trung trong tay quan lại, địa chủ. Trái lại nông dân không có ruộng cày cấy làm ăn lại phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng. Chưa kể nạn vỡ đê, lụt lội, mất mùa, đói kém xảy ra liên miên khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Đời sống nhân dân Việt Nam càng trở nên cùng quẫn khi bị thực dân Pháp đô hộ. Theo TS Lê Quang Cần (công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) từ năm 1858, thực dân Pháp xâm lược tại Đà Nẵng đến ngày 2-9-1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Chính sách thống trị của thực dân Pháp gần một thế kỷ đã tác động mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến xã hội; nhân dân Việt Nam bị áp bức bốc lột nặng nề.

Nhất là từ năm 1940, lợi dụng việc Pháp bị Đức chiếm đóng, Nhật đã gia tăng sức ép đối với chính quyền Pháp tại Đông Dương từng bước thực hiện ý đồ xâm chiếm Đông Dương. Thực dân Pháp vì không đủ sức chống lại Nhật nên đã mở cửa nước ta rước Nhật và buộc phải chấp nhận các yêu sách của Nhật. Từ đây, nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Sau khi chiếm đóng Đông Dương, Nhật đã không lật đổ bộ máy chính quyền của Pháp mà sử dụng nó để đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương, giữ yên hậu phương cho quân đội Nhật; đồng thời vơ vét, bóc lột sức người, sức của ở Đông Dương bằng sưu cao, thuế nặng để phục vụ cho cuộc chiến tranh của Nhật khiến cho đời sống nhân dân bị kiệt quệ. Chính sách vơ vét, bóc lột Pháp, Nhật cộng với nạn mất mùa năm 1944, đầu năm 1945 đã khiến gần 2 triệu người bị chết đói.

Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh, nhận thấy đây là thời cơ ngàn năm có một nên đêm ngày 13-8-1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng công bố mệnh lệnh khởi nghĩa. Do đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân nên ngay sau khi mệnh lệnh khởi nghĩa được ban bố, quần chúng khắp nơi đã đồng loạt nổi dậy và chỉ trong vòng 15 ngày cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền đã về tay nhân dân.

TS Lê Quang Cần cho rằng, thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám cách và sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một nước độc lập. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, bị 2 tầng áp bức đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh.

Giữ vững lời thề độc lập

Cách đây 76 năm, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước khi kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Theo TS Lê Quang Cần, để bảo vệ quyền tự do, độc lập - thành quả của cách mạng tháng Tám, 76 năm qua (1945-2021), toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn đoàn kết một lòng tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, non sông thu về một mối, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lại tiếp tục sát cánh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và trên biển, đảo; đồng thời tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững…”.

ThS Phạm Thị Phương Thúy, giảng viên môn lịch sử, Khoa sư phạm Khoa học xã hội, Trường đại học Đồng Nai cho hay trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang đứng trước sự đan xen giữa thời cơ, thách thức, thuận lợi và cả những khó khăn. Vì vậy, để giữ thành quả của cách mạng tháng Tám đòi hỏi nhân dân ta phải luôn nêu cao cảnh giác, quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập nhằm nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

ThS Bùi Thị Mỹ Hạnh thì cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ về ý nghĩa của cuộc cách mạng tháng Tám, về công lao của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự hy sinh của biết bao chiến sĩ, đồng bào để đổi lấy nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Khi thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, giá trị lớn lao của cuộc cách mạng tháng Tám, về ngày Quốc khánh 2-9 sẽ góp phần lưu giữ và lan tỏa tinh thần của cuộc cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Khi giá trị truyền thống ăn sâu vào tiềm thức sẽ trở thành sức mạnh tinh thần, là động lực để các thế hệ người Việt tiến lên phía trước, tiếp tục cống hiến để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Khánh Ngân 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây