Vừa nhận phần quà trị giá 600 ngàn đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tặng, ông Nguyễn Văn Tiến (một nạn nhân chất độc da cam, ngụ TP.Biên Hòa) nói: “Hằng tháng, tôi đều được nhận tiền trợ cấp của Nhà nước và quà của mạnh thường quân. Vài năm trước, tôi còn nhận được hỗ trợ về nhà ở giúp tôi bớt được nhiều nỗi lo trong cuộc sống”.
Ông Nguyễn Văn Thanh (66 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán) và em gái là bà Nguyễn Thị Thê (60 tuổi) - hai nạn nhân chất độc da cam tại huyện Định Quán được nhận quà do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao
Ông Nguyễn Văn Tiến cũng giống như hơn 9,1 ngàn nạn nhân chất độc da cam tại Đồng Nai không hề đơn độc mà luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội.
* Chia sẻ với hoàn cảnh của các nạn nhân da cam
Cùng mẹ lên bục sân khấu nhận quà do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tặng, em Nguyễn Thị Thảo Nguyên (9 tuổi, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) nở nụ cười tươi. Khi mới sinh, Nguyên đã bị các triệu chứng giống như mẹ mình là một nạn nhân chất độc da cam: toàn thân và tay chân co rút, phát âm không rõ, mắc các bệnh về tim, phổi. Là nạn nhân da cam là dân thường hằng tháng, hai mẹ con Nguyên được Nhà nước hỗ trợ hơn 1 triệu đồng kèm theo một số phần quà là thực phẩm giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn.
Là một trong những gia đình có nhiều người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ông Nguyễn Văn Thanh (66 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán) cho biết: “Ngoài tôi, hai em gái tôi cùng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Tôi khuyết tật một chân, còn hai em tôi chậm phát triển cả trí não lẫn thể chất”. Do đó mà cuộc sống của cả ba anh em đều gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh kém may mắn này, Nhà nước trợ cấp hằng tháng 600 ngàn đồng/người. Mới đây nhất, thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Định Quán, các mạnh thường quân đã hỗ trợ gia đình ông Thanh 15 triệu đồng để sửa chữa căn nhà bị hư hỏng phần mái.
Cùng nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng là gia đình của ông Nguyễn Văn Hoàn (68 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú). Theo ông Hoàn, do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên sức khỏe ông rất yếu, nói ngọng, tay chân bị dị tật. Con trai ông cũng bị những triệu chứng tương tự.
Cảm thông với hoàn cảnh của gia đình ông Hoàn, chính quyền địa phương đã làm các thủ tục liên quan để công nhận con ông là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, con trai ông Hoàn được hưởng mức trợ cấp hằng tháng là 1,7 triệu đồng, đồng thời được vận động xây dựng nhà nhằm giúp gia đình ông ổn định cuộc sống.
* Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam ngày càng tốt hơn
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho biết, thời gian qua, các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam là người hoạt động kháng chiến và con của người hoạt động kháng chiến đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Mức trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam cho nạn nhân chất độc da cam hằng tháng tăng dần theo thời gian, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
Tác giả: Võ Tuyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập