Tại Đồng Nai, CLB Máu hiếm do Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý có 115 người tham gia. Ngoài ra, nhiều người còn tham gia vào CLB Máu hiếm miền Nam. Họ gồm các nhóm máu: O Rh-, A Rh-, B Rh-, AB Rh-. Đây là những người có hệ máu ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số.
Một bạn trẻ tại TP.Long Khánh tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện
Kết nối người máu hiếm
Những người mang dòng máu hiếm này đã kết nối, tham gia sinh hoạt và giữ liên lạc với nhau. Điều này là vô cùng cần thiết nhằm chia sẻ cũng như tự bảo vệ mình mỗi khi một ai đó cần dòng máu hiếm trong điều trị. Từ đó những người máu hiếm tại Đồng Nai đã cùng tham gia vào CLB Máu hiếm do Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý và CLB Máu hiếm miền Nam. Hai địa chỉ này đã duy trì sinh hoạt định kỳ cho hội viên cũng như tham gia cùng các cơ sở y tế, tổ chức chữ thập đỏ điều phối nhu cầu máu hiếm trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Chủ nhiệm CLB Máu hiếm miền Nam cho biết, việc kết nối, giữ liên lạc thường xuyên giữa những người có nhóm máu hiếm với nhau là điều vô cùng quan trọng. Khi một trong các thành viên không may bị tai nạn hay một người nào đó cần nguồn máu hiếm để cấp cứu, thành viên nào ở gần bệnh viện nhất và đảm bảo sức khỏe sẽ chủ động đến nơi trước. Điều này giúp những người máu hiếm an tâm hơn trong cuộc sống. Bởi, nếu không may gặp phải tai nạn cần đến máu trong quá trình cứu chữa hay thực hiện phẫu thuật thì nguồn máu cần thiết sẽ được đảm bảo.
Cùng với kết nối nhau thì những người máu hiếm còn chủ động giữ gìn sức khỏe của bản thân nhằm hạn chế tai nạn thương tích, luôn sẵn sàng cho máu khi cần.
Anh Trần Thiên Long, quê tỉnh Đắk Lắk, đang làm việc tại TP.Biên Hòa cho hay, trong quá trình lao động, di chuyển, sinh hoạt hàng ngày bản thân anh luôn có sự cân nhắc trước khi thực hiện một hành động nào đó. Bởi nếu không may bị tai nạn mà cần đến tiếp máu thì không chỉ gây lo lắng, khó khăn cho bản thân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến những người mang dòng máu hiếm khác khi cho máu mình. Cùng với đó, nếu để cơ thể xảy ra tình trạng suy nhược hay thiếu máu cũng không thể sẵn sàng cho máu khi cần. Nên việc tự nâng cao sức khỏe bản thân là điều luôn được những người có dòng máu hiếm như anh Long chú trọng.
Sẵn sàng cứu người
Những người mang dòng máu hiếm đều có điểm chung là luôn sẵn sàng tham gia hiến máu cứu người.
Bà Nguyễn Thị Lơ (45 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa), chia sẻ: khi biết mình mang dòng máu hiếm, bà có chút lo lắng. Nhưng rồi được tiếp cận các kiến thức cần thiết, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh kết nối cùng những người máu hiếm khác giúp bà yên tâm hơn vì vẫn có những trường hợp tương tự như bà. Vì hiểu số lượng người mang dòng máu như mình chiếm số ít nên bà Lơ luôn tích cực sẻ chia giọt máu nghĩa tình để cứu người. Dù mới phát hiện việc mang trong mình dòng máu hiếm A Rh- thời gian gần đây nhưng bà đã có đến 4 lần hiến máu cứu người cấp cứu ở bệnh viện và 1 lần hiến máu tình nguyện lưu động.
Còn bà Phạm Thị Duyên (40 tuổi, đang làm việc tại TP.HCM) đã có gần 10 lần hiến máu cứu người bị nạn từ dòng máu O Rh- của mình. Bà Duyên cho hay, trong quá trình mang thai cách đây gần 8 năm, bà biết mình có dòng máu hiếm. Lúc đó, bà rất lo lắng cho con mình, cũng như quá trình sinh nở. Nhưng được sự kết nối của những người mang dòng máu hiếm khác để khi cần thiết gia đình có thể liên hệ để tiếp nhận máu, bà yên tâm hơn. Khi sức khỏe đảm bảo, bà đăng ký hiến máu để khi cần có thể giúp đỡ những người có dòng máu hiếm tương tự.
Còn anh Trần Thiên Long đã có 7 lần hiến máu cứu người. Mỗi khi nhận tin từ bệnh viện hay quản lý CLB Máu hiếm báo có người cần nhóm máu của mình để cấp cứu thì dù đang ở trọ tại khu vực P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) anh sẵn sàng đến TP.HCM để truyền máu.
Nguyễn Vân