Theo thống kê, hiện trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó hơn 50% dân số ở nông thôn, miền núi không có hoặc ít có điều kiện tiếp cận với sách. Thực tế này cho thấy, việc đưa sách về nông thôn trong các chương trình luân chuyển sách, tặng tủ sách của các cơ quan, đơn vị hay của từng cá nhân là vô cùng cần thiết và ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của xã hội.
Không đơn thuần là tặng sách
Theo xe của Trung tâm Văn miếu Trấn Biên về huyện Thống Nhất trong chương trình sinh hoạt chuyên đề danh nhân văn hóa, chúng tôi đến thăm thầy và trò Trường THCS Nguyễn Ðình Chiểu (xã Gia Tân 2). Xe dừng trước cổng trường trong ánh mắt ngỡ ngàng đón đợi của học sinh. Trước sân trường, hơn 500 học sinh xếp thành hàng, ngồi ngay ngắn, chuẩn bị cho buổi học “ngoại khóa” mới lạ và thú vị này. Và trong suốt buổi sinh hoạt, có lẽ phần hấp dẫn và hào hứng nhất vẫn là chương trình đố vui có thưởng, tặng tập, tặng sách cho học sinh.
Vừa xem quyển sách trên tay, em Nguyễn Hoàng Thảo Nhi (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Ðình Chiểu) vui vẻ nói: “Ðây là lần đầu tiên trường em được Văn miếu Trấn Biên tổ chức nói chuyện chuyên đề và tặng sách như thế này. Em thích lắm. Mặc dù thư viện trường em cũng có sách nhưng ít sách hay. Ở đây có rất nhiều loại sách như: truyện ngắn, sách về danh nhân văn hóa, sách về Ðồng Nai… mà em và các bạn muốn đọc và tìm hiểu”.
Thấu hiểu mong muốn của rất nhiều học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, nhiều năm nay, Văn miếu Trấn Biên vận động các đơn vị, mạnh thường quân ủng hộ sách tặng học sinh. Trong năm 2016 và 2017, Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức nói chuyện chuyên đề và tặng sách cho khoảng 10 trường trong toàn tỉnh như: THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ), THCS thị trấn Long Thành... Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Ðăng Ninh cho biết, sinh hoạt chuyên đề danh nhân kết hợp tặng sách là một trong những hoạt động thường niên của Văn miếu Trấn Biên. Chương trình nhằm kết nối Văn miếu với các trường học, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về quê hương Ðồng Nai, có tinh thần phấn đấu, vươn lên trong học tập. “Chúng tôi quan niệm rằng, mỗi một cuốn sách cho đi là “gieo” một “hạt” tri thức mới. Mỗi người chung tay một cuốn sách sẽ bồi đắp cho các em học sinh có thêm một kiến thức. Hoạt động này đã được giáo viên và học sinh các trường đón nhận nhiệt tình. Mới đây nhất, nhà văn Nguyễn Thái Hải ra mắt bộ truyện mới, chúng tôi đã vận động mạnh thường quân mua 100 bộ. Dự kiến trong tháng 5 và tháng 6, chúng tôi sẽ tiến hành đi tặng cho học sinh các huyện vùng xa”, ông Trần Ðăng Ninh chia sẻ.
Lan tỏa tri thức
Song song với hoạt động nói chuyện chuyên đề và tặng sách của Văn miếu Trấn Biên, Thư viện Ðồng Nai đã đẩy mạnh việc luân chuyển sách về cơ sở, phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, mỗi năm, Thư viện tỉnh trực tiếp luân chuyển từ 5.000 - 7.000 bản sách cho các trường học trên địa bàn TP. Biên Hòa; gián tiếp luân chuyển các trường học vùng sâu, vùng xa qua thư viện huyện, thị xã. Hằng năm, Thư viện tỉnh còn luân chuyển 200 bản sách/xã, trang bị 50 tủ sách, trên 50 đầu sách và trên 2.500 bản sách cho các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, đồng thời kiểm tra hiệu quả việc sử dụng các tủ sách, đầu sách đã cấp cho cơ sở.
Giám đốc Thư viên tỉnh Lê Văn Tám cho biết, để tăng số lượng bạn đọc, thời gian tới Thư viện tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, trong đó ngoài các hình thức tuyên truyền qua hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở; tích cực gặp gỡ, tuyên truyền trực tiếp đến các đảng viên trong chi bộ tổ dân phố, học sinh các trường học. “Trong nguồn sách nhận được từ sự tài trợ hằng năm, chúng tôi tiếp tục tăng cường bổ sung vốn sách thiếu nhi để phục vụ công tác luân chuyển sách về trường học. Cùng với đó, phối hợp với các trường học phát động tổ chức giao lưu, thi kể chuyện sách hè… Có như vậy mới thu hút nhiều hơn sự quan tâm rộng rãi của độc giả, khơi dậy phong trào xây dựng tủ sách ở nhiều địa phương, trường học và cả gia đình”, ông Tám cho biết.
Thường xuyên có mặt trong các buổi giao lưu, tặng sách cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, ThS. Phạm Thị Bích Hằng (giảng viên Trường đại học Lạc Hồng) chia sẻ, khi được mời tham gia chương trình, cô dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về sở thích, nhu cầu đọc sách hiện nay của các em. Cô đã tự hỏi, mỗi chuyến đi sẽ có bao nhiêu học sinh quan tâm đến sách khi xung quanh còn rất nhiều thứ giải trí khác hấp dẫn hơn. “Tôi đã đi đến nhiều trường ở xa TP. Biên Hòa và phát hiện ra học sinh ở đó thiếu thốn rất nhiều thứ, trong đó có sách vở. Nhìn các em sôi nổi, háo hức tìm hiểu về quê hương, nâng niu từng cuốn tập, từng cuốn sách, trong tôi dấy lên nhiều cảm xúc. Tôi cho rằng, tặng sách cho học sinh, tặng sách cho thư viện thực sự đem lại nhiều ý nghĩa, bởi nó không chỉ khơi dậy đam mê đọc sách mà còn góp phần mang đến cho các em tri thức và đây chính là chìa khóa để các em thay đổi hoàn cảnh”, cô Bích Hằng nói.
Ngày hội đọc sách đang diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Hy vọng, với những chuyến xe mang tri thức về cơ sở sẽ được nhận thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng để ngày càng có thêm nhiều học sinh nghèo được đọc và tiếp cận với những quyển sách phù hợp độ tuổi và sở thích.
Ly Na
Tác giả: Phạm My Ny
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập