Tư tưởng vì dân và xây dựng đất nước giàu mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành rất sớm, nhưng thể hiện rõ nét nhất từ Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bác Hồ về thăm Gang Thép Thái Nguyên năm 1964 (ảnh tư liệu)
Bác Hồ về thăm Gang Thép Thái Nguyên năm 1964 (ảnh tư liệu)
Tại cuộc họp đầu tiên Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Trong những năm tháng lãnh đạo đất nước, Bác Hồ luôn yêu cầu thực hiện phương châm: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành. Ngày 24/1/1947, trong thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam bộ, Người viết “Chương trình nội chính của Chính phủ chỉ có 3 điều mà thôi. Tăng gia sản xuất để làm cho dân ai cũng đủ mặc, đủ ăn. Mở mang giáo dục để cho ai nấy cũng biết đọc, biết viết. Thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ, tự do”.
Như vậy, ngay từ khi đất nước vừa giành được độc lập, Bác Hồ đã hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân, khuyến khích động viên nhân dân tăng gia sản xuất, làm kinh tế để cải thiện đời sống, vừa “kháng chiến” vừa “kiến quốc”.
Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là làm cho “dân giàu, nước mạnh”. Ở đây quan điểm “dân giàu” không tách rời việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, vì dân có giàu thì nước mới mạnh. Bác Hồ chủ trương làm cho dân giàu không phải là làm kinh tế đơn thuần mà gắn bó biện chứng với chính trị, xã hội. Đây là bài học đắt giá với những ai cho rằng cứ giàu lên rồi sẽ có tất cả.
Xây dựng đất nước giàu mạnh là tư tưởng phấn đấu suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong diễn văn khai mạc Đại hội III của Đảng (từ ngày 5/9/1960 đến 10/9/1960) Bác khẳng định “làm cho miền Bắc nước ta có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa khoa học tiên tiến, làm cho nhân dân ta có một đời sống ngày thêm no ấm, vui tươi”… Người cũng chỉ rõ “miền Bắc giàu mạnh sẽ là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”. Trong mọi lúc mọi nơi, tư tưởng này được gắn bó biện chứng giữa cái chung và cái riêng, giữa chiến lược và sách lược cụ thể của dân tộc.
Qua hàng chục năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, trải nhiều công việc kiếm sống, cộng với kinh nghiệm thực tế trong lãnh đạo xây dựng đất nước, Bác Hồ đã sớm hình thành tư duy hạch toán kinh tế sâu sắc. Để xây dựng đất nước giàu mạnh, theo tư tưởng của Bác Hồ là không thể tách rời sự phát huy cao độ nội lực và ngoại lực. Nội lực là cái của ta, do ta; ngoại lực là ở bên ngoài, của các nước bạn hợp tác, giúp đỡ. Trong lời kêu gọi Liên hiệp quốc vào tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho nhà đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình”, Người cũng nhấn mạnh: “Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc”.
Sau này, khi lãnh đạo đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước, song song với quá trình mở cửa về kinh tế; trong phát biểu, lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sớm và sâu sắc các tư tưởng về đường lối đối ngoại mở rộng, đa phương hóa hữu nghị và hợp tác với các nước dân chủ… Các đường lối chính sách ấy đã tạo điều kiện tốt nhất, hiệu quả nhất để khai thác ngoại lực nhằm xây dựng đất nước.
Ngày nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chăm lo đời sống nhân dân và xây dựng đất nước giàu mạnh được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và nâng lên tầm cao mới cho phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của dân tộc Việt Nam.