Khan hiếm vắc xin ngừa bệnh dại

Thứ ba - 10/04/2018 21:42
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thời gian gần đây, nhiều nơi trong cả nước rơi vào tình trạng khan hiếm vắc xin dại. Tại Ðồng Nai, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh còn khoảng 8.000 liều; các huyện và địa điểm tiêm vắc xin dịch vụ tư nhân khác đều trong tình trạng hết hoặc còn rất ít vắc xin dại.​

Cơ sở than vắc xin “cháy” hàng

BS. Bùi Văn Xờ, Trưởng phòng khám đa khoa (PKÐK) Tam Ðức cho hay, khoảng 2 tuần trở lại đây, phòng khám đã không còn vắc xin ngừa dại. PKÐK Tam Ðức mua vắc xin ngừa dại từ các nhà phân phối vắc xin tại TP. Hồ Chí Minh (Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP dược phẩm Phúc Thiện). Nhưng gần đây, các nơi này đều thông báo hết vắc xin ngừa dại và không cung cấp cho phòng khám. “Bộ Y tế nói không thiếu vắc xin dại nhưng thực tế chúng tôi không thể mua vắc xin ngừa dại để tiêm cho người dân. Khoảng gần 2 tuần nay, bệnh nhân vẫn đến hỏi để tiêm vắc xin ngừa dại nhưng không có hàng”, BS. Xờ nói. Mỗi tháng, PKÐK Tam Ðức có khoảng vài chục bệnh nhân tiêm loại vắc xin này.


 Nhiều nơi đang rơi vào tình trạng khan hiếm vắc xin ngừa dại. Trong ảnh: Tiêm vắc xin dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Hiện tại, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Long Thành chỉ còn 20 lọ vắc xin ngừa dại. BS. Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm cho biết, dù Trung tâm vẫn còn vắc xin nhưng số lượng hạn chế do nhà phân phối cung cấp rất nhỏ giọt. Số lượng có hạn nên phải ưu tiên cho những bệnh nhân đã đăng ký. “Chúng tôi gần như đang phải “năn nỉ” nhà phân phối để được cung cấp vắc xin dù hai bên đã có hợp đồng cung ứng theo đấu thầu từ trước”.

Theo BS. Văn Văn, mùa nắng, người tiêm phòng dại thường tăng cao nên trung tâm đã có phương án dự trữ. Tuy nhiên, các huyện lân cận cũng trong tình trạng khan hiếm vắc xin và đổ dồn về tiêm tại TTYT Long Thành. Vì vậy, vắc xin ngừa dại của huyện mới trong tình trạng cháy hàng. 20 lọ vắc xin hiện có chỉ đủ tiêm cho người dân trong 1 - 2 ngày nhưng phải hết tháng 4 này, thậm chí sang đầu tháng 5, cả 2 loại vắc xin Abhayrab (Ấn Ðộ) và vắc xin Verorab (Pháp) mới có hàng ổn định trở lại. “Muốn được cung cấp vắc xin, chúng tôi phải chuyển tiền trước khi có hàng. Do vắc xin là hàng độc quyền nên chúng tôi không thể chủ động và gặp khó khăn mỗi khi nhu cầu tăng cao, khan hiếm vắc xin”, BS. Văn Văn băn khoăn.

Tương tự, huyện Tân Phú cũng trong tình trạng thiếu vắc xin ngừa dại, trong khi nhu cầu của người dân lại tăng cao. BS. Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc TTYT huyện Tân Phú cho biết: Trung tâm dự trù nhiều nhưng nhà phân phối luôn không cấp đủ yêu cầu. Ðặc trưng của huyện là vùng nông thôn, người dân nuôi chó thường thả rông nên dễ bị chó cắn. Mỗi tuần, TTYT huyện Tân Phú chích ngừa bệnh dại cho khoảng 200 trường hợp. “Hiện nay, người dân rất có ý thức tiêm ngừa bệnh dại, chỉ cần bị chó mèo cào, cắn là họ đi tiêm ngừa. Nhưng với số lượng khoảng 50 liều vắc xin ngừa dại đang còn tại trung tâm, có khi chỉ đủ tiêm cho người dân trong 1 - 2 ngày. Nguồn vắc xin bị cấp ít, không chủ động  như hiện nay sẽ ảnh hưởng tới việc phòng bệnh của người dân trong thời gian này”, BS. Quang lo lắng.

Bộ Y tế: “Không thiếu vắc xin dại”

Theo BS. Dương Cường, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, lượng vắc xin ngừa dại tại trung tâm còn khá lớn, khoảng gần 8.000 liều. Trung tâm đã dự báo được nhu cầu tiêm vắc xin ngừa dại của người dân vào mùa nắng nóng sẽ tăng nên đặt lượng vắc xin lớn. Hơn nữa, kho dự trữ vắc xin của trung tâm lớn, đạt chuẩn. “Tôi cũng nghe thông tin nhiều nơi thiếu vắc xin ngừa dại nhưng tại trung tâm thì không thiếu, đủ cung cấp cho bệnh nhân. Lượng bệnh nhân tiêm vắc xin ngừa dại cũng có tăng nhẹ so với thời gian trước”, BS. Cường nói.

Theo BS. Cường, trung tâm không rơi vào tình trạng khan hiếm vắc xin do đã dự báo trước tình hình. Trung tâm đặt hàng, nhà phân phối sẽ cung cấp đủ và giao sau 24 giờ với số lượng lớn. Mỗi tháng, lượng bệnh nhân tiêm vắc xin dại khoảng 400 người. “Hạn sử dụng vắc xin khá dài nhưng việc bảo quản lại rất khắt khe. Vắc xin luôn phải bảo quản trong nhiệt độ lạnh theo quy định trong suốt quá trình từ khi xuất xưởng đến khi dùng cho bệnh nhân. Không phải nơi nào cũng có kho lạnh đủ chuẩn để dự trữ được lượng vắc xin lớn”, BS. Cường nói.

Theo Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, nếu có việc thiếu cục bộ vắc xin phòng bệnh dại ở địa phương nào, Cục sẽ chỉ đạo việc điều phối, cung ứng ngay vắc xin để đảm bảo công tác tiêm phòng, vì vậy người dân không cần quá lo lắng. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tất Ðạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, hiện nay trên thị trường có 2 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Ðộ). Ông Ðạt nhấn mạnh: “Thời điểm hiện tại, vắc xin phòng bệnh dại vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị tiêm chủng”.

Nguồn cung thiếu tạm thời

Ngày 6-4, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có văn bản khuyến cáo về tình trạng thiếu hụt vắc xin ngừa dại. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước đã ghi nhận 18 ca tử vong do bệnh dại. Chỉ trong tháng 1 và 2-2018 đã có hơn 75.000 người tiêm vắc xin phòng bệnh này. Hiện nay, trên cả nước xảy ra tình trạng thiếu hụt vắc xin ngừa dại ở một số địa phương do nguồn cung thiếu tạm thời. Điều này ảnh hưởng đến việc điều trị dự phòng bệnh dại. Trong khi đó, Việt Nam chưa sản xuất được loại vắc xin này mà hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Bệnh dại lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Để đảm bảo số người bị động vật cắn được điều trị dự phòng bệnh dại trong tình hình thiếu vắc xin hiện nay, Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người (Bộ Y tế) khuyến cáo: Tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp cho những người tiêm lần đầu để giảm lượng vắc xin, tăng số người được tiêm; không khuyến khích chuyển đổi các loại vắc xin cho nhau trên cùng một đối tượng; tham mưu với UBND tỉnh thành lập quỹ dự trữ vắc xin và huyết thanh kháng dại đề phòng tình trạng khan hiếm và đáp ứng khi có dịch.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây