(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cuộc vận động 264). Trong đó, nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông sản, sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) mà được xác định thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng cho các sản phẩm này.

Ông Phạm Tấn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Ban vận động 264 (áo xanh) thăm Hợp tác xã ca cao Suối Cát, H.Xuân Lộc
Ông Phạm Tấn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Ban vận động 264 (áo xanh) thăm Hợp tác xã ca cao Suối Cát, H.Xuân Lộc
Theo đó, tỉnh rất quan tâm triển khai các hoạt động kết nối, tìm thị trường cho sản phẩm OCOP, nông sản ngay tại vùng sản xuất để hàng Việt, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp có đầu ra bền vững.
Bán hàng cho người dân nông thôn
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai hiệu quả cuộc vận động 264 với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, các Chi, Đảng bộ cơ sở, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp từ xã đến huyện, thành phố rất quan tâm đến việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động 264; góp phần làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Nhiều chương trình, hoạt động thiết thực được triển khai như: đưa hàng việt về nông thôn, vào nhà máy, mở các cửa hàng, điểm bán hàng Việt; triển khai tốt các chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP…
Điểm nổi bật là các địa phương rất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trong sản xuất, phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt, nông sản thế mạnh của địa phương. Ông Võ Văn Thành, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Long Khánh cho biết, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường luôn được quan tâm. Tiêu biểu như các chương trình tổ chức các chuyến hàng Việt về nhà máy và khu công nghiệp; xây dựng các điểm bán hàng Việt theo hướng trưng bày hàng hóa văn minh, hiện đại như các siêu thị mini về tận các xã; thực hiện các chương trình khuyến mại hàng Việt theo chương trình hoặc vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt, thành phố gắn việc triển khai cuộc vận động 264 với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương trong khâu phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường như: hỗ trợ các doanh nghiệp lập hồ sơ chứng nhận mã nhà đóng gói trái cây xuất khẩu; được cấp chứng nhận mã số vùng trồng cũng như tham gia nhiều chương trình kết nối, xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm OCOP tại thành phố, trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Bán hàng cho du khách về nông thôn
Ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế khó khăn, nhiều HTX, doanh nghiệp sản xuất ngày càng quan tâm đến việc kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp ngay tại vùng sản xuất. Trong đó, các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại chỗ còn giàu tiềm năng đang được các địa phương tập trung khai thác.
Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Ca cao Suối Cát (H.Xuân Lộc) chia sẻ, sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khăn về thị trường vì là những sản phẩm địa phương, cơ sở sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ nên chưa được nhận biết rộng rãi trên thị trường. HTX chủ động tìm khách hàng tại chỗ cho sản phẩm OCOP qua việc đầu tư mô hình du lịch vườn. HTX đã hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành, trở thành địa chỉ đón các đoàn khách học sinh, sinh viên khắp nơi đến học tập, trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức một số loại đồ uống, sản phẩm chế biến từ ca cao. Nhờ có thêm kênh quảng bá và tiêu thụ nông sản tại chỗ hiệu quả này, HTX mới mạnh dạn đầu tư chế biến ra nhiều sản phẩm từ cao cao như: bột, bơ, rượu vang, rượu mạnh và các loại chocolate để phục vụ khách tham quan.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động 264 gắn với khảo sát các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản tại các địa phương, ông Phạm Tấn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 264 đánh giá, trong sản xuất các địa phương đã quan tâm hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn, có chất lượng. Các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh cũng không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng ngay tại địa phương. Tuy nhiên, các địa phương nên rà soát, đánh giá lại hoạt động của các HTX, từ đó tập trung nâng cao năng lực để phát huy vai trò cầu nối của HTX trong hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả hơn, gắn mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn với làm các sản phẩm du lịch OCOP nhằm khai thác hiệu quả kênh tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tại chỗ.