Huyện nông thôn mới kiểu mẫu đầu tư cho sản phẩm OCOP

Thứ năm - 16/06/2022 11:30
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, huyện đã có 6 dự án liên kết sản xuất được duyệt trên các loại cây trồng, gồm: Tiêu, chôm chôm, sầu riêng, lúa - bắp, rau xanh, xoài. Trong 3 năm qua, huyện đã giải ngân hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm cho các dự án trên với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng. Huyện cũng đang tiếp tục lập hồ sơ, tổ chức kiểm tra và hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân tham gia vào các chuỗi liên kết. Ngoài ra, nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài, cam, quýt, thanh long, rau…đang được triển khai thực hiện.
Đầu tư cho nhãn hàng, thương hiệu nông sản thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để có đầu ra bền vững là một trong những mục tiêu lớn của H. Xuân Lộc trong xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

Sản phẩm sầu riêng OCOP của HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định. Ảnh: Phan Anh
Sản phẩm sầu riêng OCOP của HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định. Ảnh: Phan Anh

Kết quả ấn tượng, hiện H.Xuân Lộc đã có 9 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao và cũng là địa phương thu hút được nhiều chủ thể tham gia chương trình, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các HTX.

Khai thác sản phẩm thế mạnh
 
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện rất quan tâm chọn và nhân rộng những sản phẩm OCOP độc đáo, lợi thế của địa phương. Trong tập trung chuyển đổi trồng trọt tăng cao thu nhập cho nông dân, các địa phương trên địa bàn huyện tập trung chuyển đổi cây trồng hiệu quả kém sang những cây trồng cho lợi nhuận cao, nhất là hình thành các vùng chuyên canh đặc sản trái cây tươi. Theo đó, chương trình OCOP của huyện cũng tập trung xây dựng thương hiệu cho các đặc sản trái cây tươi.
 
Cụ thể, trong 9 sản phẩm OCOP của H.Xuân Lộc thì có 6 sản phẩm do các HTX là chủ thể đầu tư. Trong đó, những đặc sản trái cây, nông sản thế mạnh của địa phương đã đạt sao OCOP như: sầu riêng của HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định; sản phẩm chôm chôm của HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại Bảo Hòa; xoài xanh của HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn; rau xà lách gai của HTX rau an toàn Lộc Tiến; xoài của HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Bầu Sinh; tiêu đen của HTX hồ tiêu Xuân Thọ.
 
2 năm qua, huyện đã thành lập thêm 9 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện là 34. Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp về cung ứng dịch vụ đầu vào, thực hành sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đạt cao.
 
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Xuân Lộc cho biết, tính đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 15 mã vùng trồng, gồm 9 vùng cây xoài, 4 vùng chôm chôm, 2 vùng thanh long nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Toàn huyện có 52 đơn vị được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; chủ yếu là các sản phẩm nông sản, trái cây tươi; hỗ trợ 3 đơn vị làm mã số mã vạch sản phẩm nhằm tăng cường tính công khai và phục vụ nhận diện sản phẩm. Địa phương rất chú trọng đầu tư cho chương trình OCOP, hỗ trợ các HTX, đơn vị xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm mục đích không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững các nông sản chủ lực của địa phương.
 
Dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP đạt chuẩn OCOP 4 sao của H. Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh
Dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP đạt chuẩn OCOP 4 sao của H. Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh

Xây dựng những vùng chuyên canh an toàn

Trên địa bàn huyện Xuân Lộc hiện có 7/9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP gồm: rau, xoài, sầu riêng, bưởi-cam-quýt, chôm chôm, heo, gà. Trong đó, có 18/50 trang trại trồng trọt sản phẩm chủ lực áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó đa số các trang trại có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu.
 
Nông dân ngày càng ý thức hơn về việc chuyển đổi sản xuất an toàn, tham gia chuỗi liên kết để nông sản có đầu ra bền vững hơn. Ông Lê Đình Trọng, nông dân trồng tiêu xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc chia sẻ, sản phẩm tiêu đen Xuân Thọ đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Người nông dân đã liên kết lại với nhau tham gia vào HTX, cùng thay đổi thói quen sản xuất, không còn chạy theo năng suất mà chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP. Mục đích nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn đạt chuẩn xuất khẩu để phát triển vùng chuyên canh tiêu bền vững, đạt giá trị cao hơn so với cách làm truyền thống.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây