Huy động nguồn xã hội hóa xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 05/05/2023 20:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đến NTM nâng cao, kiểu mẫu của Đồng Nai đạt nhiều thành quả. Trong đó, ấn tượng nhất là các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động rất tốt từ nguồn lực xã hội hóa.

Nông dân xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nông dân xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nguồn lực huy động được lại quay trở lại đầu tư đồng bộ về hạ tầng cho các vùng nông thôn cũng như trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến bố trí hơn 27 ngàn tỷ đồng từ ngân sách và huy động khoảng 117 ngàn tỷ đồng vốn từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để xây dựng NTM. Trong đó, chủ yếu là vốn đầu tư, đóng góp của doanh nghiệp, nông dân. Ấn tượng nhất là tỉnh thực hiện rất tốt việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng NTM cũng như phát triển sản xuất. Tỉnh cần phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn mới.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh, mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới của tỉnh là tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng theo hướng hiện đại, đa mục tiêu, kết nối rộng giữa các vùng. Tập trung công tác chỉnh trang nông thôn, xây dựng nhiều hơn nữa các khu dân cư, các tuyến đường, khu vực công cộng đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch. Thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.

Trong xây dựng NTM, nhiều địa phương huy động tốt từ nguồn lực xã hội hóa. Ông Nguyễn Cao Tài, Phó Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu cho biết, trong xây dựng NTM, địa phương đã huy động được hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 88% là từ nguồn vốn xã hội hóa. Chương trình xây dựng NTM tại địa phương đã phát huy được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị. Trong đó, người dân thực sự tích cực, chủ động tham gia với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.

Tiếp tục dồn lực phát triển tam nông

Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" tiếp tục nhấn mạnh nguồn lực của đất nước sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho tam nông. Trong đó, việc ưu tiên tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2020 thể hiện sự quan tâm, cũng như sự quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị trong quá trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Việc tăng đầu tư của Nhà nước được cho là “sẽ tạo vốn mồi” để từ đó thu hút, cũng như tạo sự tăng trưởng và phát triển của các dòng vốn khác từ vốn đầu tư trong nước của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, hộ gia đình và vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực tam nông.

Nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng, có thể tạo ra bước đột phá trong phát triển lĩnh vực tam nông cũng như được hy vọng là bước tạo đà cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai theo hướng kinh tế xanh, sử dụng ít nhất tài nguyên thiên nhiên, tác động thấp nhất đến môi trường của con người.

Mục tiêu góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ của người nông dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh tiêu thụ trong sản phẩm nông nghiệp theo kịp trào lưu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Từ đó, góp phần tạo cho nông nghiệp, nông thôn có thêm động lực đáp ứng yêu cầu mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nông dân, doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành nông nghiệp tuy không thiếu nhưng thường vẫn còn độ chênh khi áp dụng vào thực tế nên hiệu quả chưa như mong muốn. Trong đó, vấn đề thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiêu khê cũng khiến doanh nghiệp còn e dè khi tiếp cận. Cải thiện khả năng tiếp cận chính sách, giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ dàng hơn sẽ khuyến khích, thu hút tốt hơn nguồn lực đầu tư cho tam nông. Và khi đồng vốn được đầu tư đủ, có chất lượng, nông dân, doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư vào việc đưa các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản, nâng giá trị gia tăng của hàng hóa nông nghiệp của người dân, chắc chắn sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho nông nghiệp.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây