Hợp tác xã nông nghiệp: Thay đổi để cạnh tranh toàn cầu

Thứ tư - 04/07/2018 09:19
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sau hồ tiêu, trái chuối già hương cấy mô trở thành mặt hàng nông sản tiếp theo của Ðồng Nai xuất khẩu ra nước ngoài theo đường chính ngạch. Việc xuất ngoại theo “đường chính” không những nâng được giá trị sản phẩm mà còn tạo ra sự ổn định với những đơn hàng được ký kết sẵn. Một điểm chung trong việc xuất ngoại 2 sản phẩm này chính là việc các HTXNN đóng vai trò tiên phong chứ không phải là các doanh nghiệp.​

Tự xuất khẩu nông sản

Ðầu năm 2015, lô tiêu sạch đầu tiên của HTXNN Lâm San (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) đã chính thức được xuất sang thị trường Ðức và Hà Lan. Sự kiện này chính thức đưa HTXNN Lâm San trở thành HTX đầu tiên của cả nước xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu vào thị trường châu Âu, một thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Trong niên vụ đầu tiên đó (niên vụ 2014 - 2015), HTXNN Lâm San đã xuất được 150 tấn tiêu vào 2 thị trường trên.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Lâm San cho hay, những hạt hồ tiêu mà HTX xuất khẩu vào châu Âu đều là những sản phẩm “cây nhà, lá vườn” do chính các xã viên của HTX sản xuất ra. Riêng đối với HTXNN Lâm San, không chỉ đảm nhận khâu đầu vào cho các xã viên, đơn vị này cũng kiêm luôn vai trò người mua hàng, tìm kiếm thị trường và ký kết hợp đồng xuất khẩu với các đối tác.

 
Chuối già hương tại HTX Quyết Tiến được trồng theo quy chuẩn chung về chất lượng nhằm đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu.

Với yêu cầu khắt khe về chất lượng, để có nguồn hồ tiêu sạch, HTXNN Lâm San đã vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác để được truyền đạt các kiến thức về sản xuất sạch. Nông dân khi gia nhập vào các tổ hợp tác được truyền đạt các kiến thức cơ bản về chăm sóc cây hồ tiêu, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào cho phù hợp nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu đưa ra. “Hồ tiêu Việt Nam có tiềm năng lớn về chất lượng nhưng lại không thể xuất khẩu vào châu Âu vì chưa đạt tiêu chuẩn, nhất là quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do người dân mình sử dụng bừa bãi”, ông Luân cho hay.

Nhờ coi trọng chữ tín, đảm bảo về chất lượng, thị trường ổn định, hiện mỗi năm, HTXNN Lâm San xuất khẩu gần 300 tấn hồ tiêu vào thị trường châu Âu.

Sau hồ tiêu, một nông sản khác của Ðồng Nai mới đây cũng đã được một HTXNN khác xuất khẩu thành công theo đường chính ngạch. Ông Phạm Thanh Ðồng, Giám đốc HTX thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (HTX Quyết Tiến, ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ), đơn vị xuất khẩu thành công trái chuối già hương theo đường chính ngạch vào thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc cho hay, để có lô chuối đầu tiên xuất khẩu vào tháng 4 vừa qua, HTX đã có hơn 1 năm chuẩn bị.

Với mục tiêu trồng để xuất khẩu, nên HTX Quyết Tiến đã lấy ý kiến các xã viên và tập hợp được khoảng 100 ha chuối. Tất cả chuối đều được trồng theo một quy trình chung nhằm đảm bảo đồng nhất về chất lượng, kích thước cũng như mẫu mã. Việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như ghi nhật ký nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng được HTX chuyển giao đến người trồng.

Ngoài việc cung cấp vật tư đầu vào cho xã viên, HTX Quyết Tiến cũng kiêm luôn khâu thu mua, bảo quản chế biến và tìm nơi bán cho người trồng chuối. “Chuối xuất khẩu phải được bảo quản lạnh nên HTX cũng đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản và tuân theo quy trình làm chín của đối tác. Nhờ vậy, ngay sau khi tham quan vườn chuối, nhất là hệ thống kho bảo quản của HTX, các đối tác từ Hàn Quốc và Trung Quốc ký hợp đồng nhập ngay. Hiện mỗi ngày HTX xuất khoảng 2 - 3 container chuối với sản lượng hơn 30 tấn”, ông Ðồng cho biết.

Tăng lợi ích cho xã viên

Hầu hết các HTXNN trong tỉnh hiện chưa tự mình tìm được đầu ra ổn định cho nông sản khiến xã viên gần như lệ thuộc vào thương lái và phụ thuộc vào biến động giá của thị trường. Ðiều đó dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng HTXNN chưa cao và thu nhập của xã viên không được cải thiện so với kinh tế nông hộ.

Tuy nhiên, tại các HTXNN tự mình xuất khẩu nông sản tình thế khác hẳn. Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân trồng tiêu sạch tại xã Lâm San cho hay, từ khi tham gia vào chuỗi xuất khẩu hồ tiêu, tiêu của gia đình ông luôn được HTXNN Lâm San thu mua cao hơn so với giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. “Hai năm gần đây, giá tiêu xuống thấp, tuy nhiên giá mua của HTXNN Lâm San vẫn luôn được giữ cao hơn so với giá thị trường 10.000 đồng/kg”, ông Quang cho biết. Giám đốc HTXNN Lâm San Nguyễn Ngọc Luân cho biết, dù giá tiêu đang xuống thấp nhưng thị trường tiêu thụ tiêu sạch của HTX tại các nước châu Âu vẫn rất tốt, giá cũng ổn định nên đơn vị có điều kiện để thu mua tiêu cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường.

Ðối với người trồng chuối của HTX Quyết Tiến, do chỉ mới bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm nên chưa thể tính chính xác lợi nhuận cụ thể. Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Quyết Tiến Phạm Thanh Ðồng, với giá bán từ 6.000 - 18.000 đồng/kg, người trồng chuối già hương của HTX luôn có lợi nhuận khá cao. Quan trọng hơn, đầu ra của trái chuối luôn được bảo đảm với các hợp đồng đã được ký kết trước. “Vụ đầu tiên, chi phí đầu tư mỗi ha rất cao khoảng 1 tỷ đồng do phải đầu tư hệ thống tưới nước, phân, giống và đặc biệt là lưới điện. Nhưng theo tính toán, ngay vụ đầu trừ hết chi phí đầu tư người trồng đã có lợi nhuận. Những vụ sau, chi phí đầu tư giảm thì lợi nhuận sẽ tăng dần lên”, ông Ðồng cho hay.

HTXNN mang lại sự phát triển bền vững, toàn diện khi tham gia các chuỗi giá trị

Tại hội thảo về định hướng xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông sản - vai trò của HTXNN trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản được tổ chức tại Đồng Nai vào đầu tháng 5 vừa qua, đại diện của Tổ chức mạng lưới các HTX và các tổ chức hợp tác của Canada (Socodevi, tổ chức đang tham gia Dự án phát triển HTX tại Việt Nam) cho rằng, các HTXNN sẽ mang lại sự phát triển bền vững và toàn diện hơn khi tham gia vào các chuỗi giá trị. Do đó, Nhà nước cần có các cơ chế tiếp cận tài chính thuận lợi hơn để các HTXNN có nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lê Văn

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây