TTĐT - Đồng Nai bắt đầu tiếp cận nguồn vốn FDI từ năm 1989. Dự án FDI đầu tiên của Đồng Nai được cấp giấy phép đầu tư vào ngày 30-9-1989 trên lĩnh vực dịch vụ vận tải taxi do Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp cho Công ty liên doanh Vatadona.
Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam đầu tư vào tỉnh khá sớm
Từ năm 1989 -1993 được coi là giai đoạn tiếp cận nguồn vốn FDI. Giai đoạn này tuy đã có các dự án đầu tư nước ngoài lớn của các tập đoàn Vedan, Vmep, Hualon, nhưng do phần lớn còn trong giai đoạn xây dựng nên sự tác động đến hiệu quả kinh tế xã hội chưa rõ nét.
Từ năm 1994-1998 là giai đoạn dòng vốn FDI phát triển tạo sự đột phá rất lớn trong việc tăng trưởng công nghiệp và các lĩnh vực khác của kinh tế xã hội tại Đồng Nai với nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn như : Fujitsu, Kao, SamSung, Kolon, Chrysler, CP, Cargill,... Đồng Nai được Chính phủ đánh giá là một trong những nơi đầu tiên của Việt Nam đón được làn sóng đầu tư FDI.
Giai đoạn 1999- 2000, cả thế giới chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, kinh tế phát triển chậm lại và khó khăn, kéo theo dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Do mức độ hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam lúc này chưa sâu rộng, nên mức độ suy giảm đầu tư tại Đồng Nai chủ yếu mang tính chất gián tiếp. Các dự án cấp mới vẫn ổn định nhưng vốn giảm và chủ yếu là dự án qui mô vừa và nhỏ.
Nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh bắt đầu tăng trưởng ổn định lại từ năm 2001 -2010. Giai đoạn này đã thu hút trên 9 tỷ USD, bình quân mỗi năm vốn đăng ký 900 triệu USD. Dự án đầu tư lớn nhất trong giai đoạn này thuộc Tập đoàn Formosa (Đài Loan) với vốn đầu tư 951 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam với vốn đầu tư hơn 563 triệu USD và các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản như: Dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Hội 290 triệu USD, Dự án khu phức hợp và khách sạn 5 sao 100 triệu USD, dự án Khu dân cư Water Front 750 triệu USD và dự án khu dân cư Aqua City tại gần 519 triệu USD...
Từ năm 2011 đến nay là giai đoạn thu hút đầu tư dự án FDI theo định hướng ưu tiên các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc thiết bị, các ngành sản xuất ít ô nhiễm môi trường, công nghệ cao…, Giai đoạn này đã thu hút hơn 10 tỷ USD. Có nhiều dự án lớn, ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, y tế như : Công ty Lixil Việt Nam đầu tư 441 triệu USD, Công ty Termuro BTC gần 100 triệu USD, Công ty SMC Manufacturing hơn 111 triệu USD, Công ty Volcafe 80 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai 660 triệu USD, dự án bệnh viện Shingmark 80 triệu USD....
Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn 5 năm tới, nếu Đồng Nai chuẩn bị tốt đất đai cho phát triển công nghiệp bằng cách thành lập thêm các khu công nghiệp, sẽ đón được làn sóng đầu tư FDI lớn dịch chuyển từ Trung Quốc sang.
Vi Quân