Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Thứ năm - 25/11/2021 16:23
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

TTĐT- Ngày 24-11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. 

z2963549749932_807fa0b5c2a2071cc67779d65ee6f865251121.jpg
Lãnh đạo tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai - ảnh Huy Anh 
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Báo cáo tại Hội nghị về việc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững, đó là: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, sáng tạo, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: văn hóa là một mặt trận quan trọng, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm kế thừa, phát triển tư duy lý luận về văn hóa và chăm lo phát triển văn hóa, con người Việt Nam, coi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao. Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Việt Nam cũng đã tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.
z2963549751078_83bc0b49636d7b3daa0b7fc39b393cff.jpg
Các đại biểu tại điểm cầu Đồng Nai theo dõi bài phát biểu của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng
Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, có 6 bài học được rút ra trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đó là: không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy nhanh việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, con người thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách và nguồn lực cụ thể, thiết thực, nhất là chính sách đặc thù để tạo môi trường pháp lý, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực của xã hội xây dựng và phát triển văn hóa, con người; chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ở các cấp có đức, tài, kinh nghiệm và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sỹ khá, giỏi trong chuyên môn; xây dựng môi trường văn hóa phải đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt, thực sự là tấm gương, động lực, niềm tin để nhân dân noi theo.
Để thực hiện tốt quan điểm, chủ trương quan trọng của Đảng về văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của từng ngành, vùng, địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trước yêu cầu mới. Từng bước khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước…
Tham luận tại hội nghị, nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ đã bày tỏ cảm xúc, tâm tư, nguyện vọng đối với quá trình xây dựng, phát triển văn hóa và những giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, văn hóa là căn cước của một dân tộc. Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác di sản văn hóa như những tài nguyên thì giải pháp quan trọng đầu tiên phải là đổi mới tư duy nhận thức một cách cân bằng; trước hết là phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động, phải hiểu văn hóa là một nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của một dân tộc. Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước đi tới phồn vinh như tinh thần Đại hội XIII của Đảng là phải khơi dậy khát vọng dân tộc, đặc biệt là với giới trẻ. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong quá trình cạnh tranh quốc tế. Trong thời kỳ hiện nay, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để nâng niu, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế.

 Quỳnh Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây